Thời sự
Cà Mau tập trung nguồn lực phát triển nhanh và bền vững
Huy Tự - 26/10/2020 08:48
Từ ngày 26 đến 28/10, tỉnh Cà Mau tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, nhiệm kỳ tới, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực, phát huy tiềm năng và thế mạnh để đưa vùng Đất Mũi phát triển nhanh và bền vững.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Cà Mau đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật. Trong ảnh: Một góc TP. Cà Mau. Ảnh: Thanh Liêm

Ông có thể cho biết những thành tựu cơ bản trong phát triển kinh tế - xã hội mà Cà Mau đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua?

Nhiệm kỳ 2015-2020, Cà Mau thực hiện mục tiêu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, đoàn kết, đổi mới; đảm bảo quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trong quá trình thực hiện, tỉnh Cà Mau chịu tác động của yếu tố bất lợi từ tình hình thế giới, khu vực, nhất là ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhưng với  quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đa số các chỉ tiêu chủ yếu về tăng trưởng kinh tế, xã hội ở mức khá; diện mạo đô thị, nông thôn thay đổi rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên...

Để đạt được những kết quả tích cực trên, Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiều nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, trong đó tập trung đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược.

Thứ nhất, tỉnh đã triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chương trình cải cách hành chính; nâng cao chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo bước đột phá trong giải quyết thủ tục hành chính. Tỉnh đã thành lập Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh và thành lập Phòng cải cách hành chính trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, nhằm giảm thủ tục, thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân, nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4.

Tập trung các nguồn lực nâng cao năng lực cạnh tranh, Chỉ số hiệu quả quản lý, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Nhờ những nỗ lực đó, Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của Cà Mau năm 2019 đạt thứ hạng 45/63 tỉnh, thành phố, so với năm 2015 tăng 14 bậc. Đặc biệt, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019 đạt thứ hạng 3/63 tỉnh, thành phố và đứng đầu trong các tỉnh ĐBSCL.

Thứ hai, trong phát triển nguồn nhân lực, tỉnh đã ban hành đề án, kế hoạch đào tạo cán bộ, công chức và thu hút nguồn nhân lực, nhất là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài, đưa trí thức trẻ về cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ; triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với những nỗ lực đó, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh từng bước nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thứ ba, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, trong đó ưu tiên đầu tư vào các ngành, lĩnh vực quan trọng như: giao thông, lưới điện, thủy lợi, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân.

Cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội, Cà Mau đã đạt những chỉ tiêu quan trọng nào, thưa ông?

Đảng bộ, nhân dân tỉnh Cà Mau đạt được nhiều kết quả tích cực như: kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tổng sản phẩm (GRDP theo giá so sánh) tăng bình quân gần 7%/năm; quy mô nền kinh tế ước đạt hơn 60.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,35 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt gần 51 triệu đồng (tương đương 2.182 USD), tăng gần 1,3 lần so với năm 2015.

Triển khai Đề án tái cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng mạnh tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng.

Thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều mô hình nuôi quảng canh cải tiến, thâm canh, đưa kinh tế biển phát triển mạnh gắn với xây dựng nông thôn mới…

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau

Cà Mau huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội 5 năm gần 74.000 tỷ đồng, chiếm 28% GRDP. Tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm hơn 26.000 tỷ đồng (tăng 1,3 lần so với nhiệm kỳ trước). Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân 4%/năm; năng lực sản xuất không ngừng tăng lên, tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp chủ lực là chế biến thủy sản, sản xuất điện, đạm, khí hóa lỏng, sản lượng chế biến hàng thủy sản xuất khẩu 5 năm đạt 700.000 tấn.

Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo đang được đầu tư khai thác, chiều hướng phát triển tốt. Hạ tầng khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp được tập trung xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi để mời gọi, thu hút đầu tư. Công tác kiểm tra, quản lý thu chi được quan tâm thường xuyên.

Về dịch vụ du lịch, từng bước phát triển tốt hơn, cơ sở vật chất, các công trình hạ tầng tiếp tục được đầu tư, ước 5 năm thu hút hơn 7,3 triệu lượt khách (trong đó có 135.000 lượt khách quốc tế), tăng 58% lượt khách. Doanh thu du lịch ước đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 3,6 lần so nhiệm kỳ trước.

Kim ngạch xuất khẩu 5 năm gần 5,6 tỷ USD, tiếp tục là tỉnh đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm. Tỉnh Cà Mau đã xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu các sản phẩm, đặc sản chủ lực của địa phương như cua Năm Căn, tôm khô Rạch Gốc, mật ong U Minh... góp phần mở rộng thị trường, mở rộng quy mô sản xuất, tăng lợi nhuận của doanh nghiệp và thu nhập người dân được cải thiện đáng kể.

Đặc biệt, về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư; đô thị từng bước phát triển theo hướng hiện đại. Cà Mau ưu tiên bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư tập trung vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, các dự án, công trình trọng điểm. Nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng như cầu Hòa Trung II, đường hành lang ven biển phía Nam, đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn đến Đất Mũi, đường trục chính Đông - Tây, đường bờ Nam Sông Đốc - Quốc lộ 1A, đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, đường trục chính và đường Bắc - Nam Khu kinh tế Năm Căn… hình thành các trục, tuyến giao thông chính, kết nối các vùng trong tỉnh; hoàn thành Đề án đường ô tô về trung tâm xã; giao thông nông thôn phát triển mạnh; hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất; hạ tầng văn hoá - xã hội được ưu tiên đầu tư như bệnh viện, trạm y tế, trường học, các thiết chế văn hoá…

Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 đạt nhiều kết quả tích cực. Dự án nâng cấp đô thị TP. Cà Mau được hoàn thành giai đoạn I, phát huy hiệu quả, đưa tỷ lệ đô thị hoá đến cuối năm 2020 đạt 22,7%...

Theo ông, Cà Mau còn những điểm nghẽn, khó khăn, hạn chế nào cần khắc phục?

Một số điểm nghẽn có thể chỉ ra như công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch thực hiện còn chậm, do chưa có những định hướng lớn, quan trọng của Quốc gia và của vùng ĐBSCL để làm cơ sở lập quy hoạch của tỉnh, ảnh hưởng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn nhiều vướng mắc, khó thực hiện.

Thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng của tỉnh, nhưng thời gian qua, khai thác, phát triển chưa ổn định, thiếu bền vững, do khả năng đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đáp ứng. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chưa nhiều. Một số ngành, lĩnh vực có lợi thế nhưng chưa được khai thác, phát huy hiệu quả, nhất là kinh tế lâm nghiệp. Chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ lẻ. Kinh tế tập thể hiệu quả còn thấp.

Cà Mau sẽ đột phá mạnh vào các khâu cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng kết cấu hạ tầng

Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng trưởng chậm; kim ngạch xuất khẩu không đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Dịch vụ có giá trị gia tăng cao phát triển chưa mạnh, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn để khai thác tiềm năng của tỉnh, nhất là du lịch, cảng biển. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp, nên chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư; huy động vốn từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng còn hạn chế. Tỷ lệ đô thị hóa còn thấp cũng là những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư cần khắc phục trong nhiệm kỳ tới.

Cà Mau sẽ thực hiện khâu đột phá và giải pháp nào về kinh tế để phát triển nhanh và bền vững trong nhiệm kỳ tới, thưa ông?

Trên cơ sở những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ tỉnh đạt được trong thời gian qua, với phương châm của Đại hội: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Cà Mau tiếp tục phát huy đoàn kết, dân chủ, đồng thuận trong nhân dân; tiếp tục khơi dậy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư.

Mục tiêu trong 5 năm tới, Cà Mau phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD, GRDP giai đoạn 2021-2025 bình quân tăng 6,5-7%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 77 triệu đồng (tương đương 3.320 USD). Tỉnh cũng phấn đấu đạt tổng vốn đầu tư xã hội bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025 chiếm 30% GRDP trở lên, để định hướng đến năm 2030, kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, tỷ lệ đô thị hóa đạt 31%.

Để đạt được mục tiêu đó, Đảng bộ tỉnh xác định tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, tạo chuyển biến về chất để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kỷ cương, trách nhiệm, tận tuỵ, chuyên nghiệp. Tranh thủ, tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tập trung đầu tư phát triển rõ nét các đô thị động lực như TP. Cà Mau, thị trấn Sông Đốc, thị trấn Năm Căn và một số công trình trọng điểm về giao thông, du lịch của tỉnh.

Đột phá mạnh vào các khâu cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Tin liên quan
Tin khác