Cà Mau đã tiến những bước dài sau 20 năm tái lập tỉnh. Đâu là động lực cho sự thay đổi này, thưa ông?
Trong 20 năm qua, chặng đường đi chưa phải dài, nhưng đã chứng minh sự đóng góp vô cùng quan trọng và lớn lao của toàn Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau. Bằng việc kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang, thành tựu tiền đề của Đảng bộ, quân và dân Minh Hải trước đây; Đảng bộ, quân và dân Cà Mau luôn đoàn kết một lòng, gắn bó, khắc phục khó khăn, khai thác các tiềm năng, lợi thế để đưa kinh tế - xã hội tỉnh liên tục phát triển nhanh và toàn diện.
Du lịch là một lợi thế của Cà Mau và đang được địa phương tập trung phát triển |
Chúng tôi xác định con người là động lực cho sự phát triển và cội rễ của mọi thắng lợi. Cà Mau có dân số 1.218.821 người; 70,44% ở độ tuổi lao động; trong đó, 79,7% lực lượng lao động toàn xã hội đang làm việc trong các ngành kinh tế. Đây là nhân tố rất quan trọng có ý nghĩa quyết định, làm tiền đề để Cà Mau phát triển nhanh, theo hướng hiệu quả và bền vững, nhất là trong 10 năm trở lại đây.
Những năm qua, Cà Mau có bước tăng trưởng kinh tế khá cao, bình quân đạt 8,3%/năm. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt 37,7 triệu đồng (tăng 10,5 lần so với năm 1997); thu ngân sách đạt 4.300 tỷ đồng, tăng gần 11 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Thị trường xuất khẩu mở rộng, sản phẩm chủ lực là thủy sản có mặt ở 40 nước với hơn 100 khách hàng quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, tăng 7,7 lần so với năm 1997.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau |
Hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển khá nhanh, diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới; 09/09 đơn vị cấp huyện với 78/82 xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, số bác sĩ/vạn dân tăng gấp 4 lần so với năm đầu (từ 3 bác sỹ tăng lên 12 bác sỹ); giáo dục phát triển khá... Đời sống vật chất, tinh thần nhân dân cải thiện rõ rệt, thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo ở vùng nhiều khó khăn; số hộ khá và giàu tăng nhanh; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh còn 8,44%.
Đạt được kết quả này chính là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, sự hợp tác, phối hợp của các địa phương, đơn vị trong và ngoài nước, sự vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các hoạt động đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và sự cần cù lao động, sáng tạo của người dân trong sản xuất kinh doanh. Với đà phát triển như vậy, tôi tin rằng Đảng bộ, quân và dân Cà Mau sẽ tiếp tục giành được những thành tựu phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội và an sinh phúc lợi trên địa bàn.
Là tỉnh giàu tiềm năng nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau sẽ tập trung vào những mũi nhọn then chốt nào để phát triển nhanh và bền vững hơn, thưa ông?
Cà Mau là tỉnh duy nhất có lợi thế 3 mặt giáp biển với bờ biển dài 254 km và ở trung tâm vùng biển Đông Nam Á là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển, công nghiệp cảng, đặc biệt là cảng nước sâu và dịch vụ vận tải, xuất nhập khẩu.
Cà Mau cũng được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản và du lịch.
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện có hiệu quả bước đầu Đề án tái cơ cấu kinh tế Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, xác định rõ tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả và bền vững, kết hợp, phát triển chiều rộng và chiều sâu; nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, tăng năng suất lao động để nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tập trung phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ có tiềm năng lợi thế, có giá trị gia tăng cao. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh, chủ động hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo hệ thống cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở hoạt động thông suốt, minh bạch hiện đại, hiệu lực và hiệu quả, khi vận hành chính thức Trung tâm hành chính Cà Mau vào đầu năm 2017.
Trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Cà Mau cũng đối diện với nhiều khó khăn thách thức. Đó là sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu quy mô hộ gia đình, sản phẩm làm ra năng suất thấp, chất lượng, chủng loại sản phẩm không đồng đều, giá thành cao, hiệu quả sản xuất thấp, chưa hình thành nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa đạt yêu cầu; mô hình sản xuất lớn, thâm canh còn ít; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tuy có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, tính kết nối thấp; chất lượng nguồn nhân lực cũng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tình trạng ô nhiễm môi trường đang thách thức sự phát triển bền vững. Do đó, tỉnh luôn khẳng định quan điểm con người là trung tâm của sự phát triển, phát triển nguồn nhân lực, coi nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác phát triển nguồn nhân lực địa phương từ nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn đến tăng cường thể chất. Cùng với nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, sẽ tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các ngành nghề mũi nhọn của tỉnh, kết hợp với thu hút lao động có trình độ cao về công tác tại địa phương. Trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực ở nước ngoài; dự kiến giai đoạn 2017-2025 sẽ tuyển chọn 110 ứng viên có năng lực cao đi đào tạo 30 tiến sỹ và 80 thạc sỹ với các chuyên ngành ưu tiên như công nghệ sinh học, xây dựng, chế tạo.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, tôi tin rằng không lâu nữa, Cà Mau sẽ cơ bản có đủ nguồn nhân lực để thực hiện các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đặt ra, đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới.
Để khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế Cà Mau một cách hiệu quả, tỉnh đã chọn đột phá nào, thưa ông?
Cà Mau đã chọn lĩnh vực thủy hải sản và phát triển du lịch để làm khâu đột phá kinh tế trong thời gian tới với việc phát triển nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, cơ cấu sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và tạo ra nguồn hàng xuất khẩu lớn, tiếp tục giữ vững là ngành có kim ngạch xuất khẩu cao và đáp ứng tốt cho tiêu dùng trong nước.
Theo hướng này, Cà Mau sẽ tiếp tục phát triển nuôi trồng ở tất cả các loại mặt nước với nhiều loại hình như nuôi chuyên canh, luân canh tôm - lúa, nuôi kết hợp nhiều loài thủy sản có giá trị cao. Khuyến khích phát triển nuôi tôm công nghiệp tập trung ở những nơi đủ điều kiện. Từng bước phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao (siêu thâm canh).
Cà Mau sẽ đầu tư đưa vào hoạt động 5 cảng cá, 6 bến cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão và hình thành đội tàu dịch vụ hậu cần hiện đại đủ khả năng hoạt động thu mua trên biển.
Công nghiệp chế biến thủy sản phát triển theo hướng gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao tỷ trọng sản phẩm tinh chế, có giá tiêu thụ cao, tiêu thụ ổn định ở thị trường chủ lực như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD/năm.
Về du lịch, Tỉnh chủ trương phát triển ngành du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế tại địa phương. Tỉnh sẽ thực hiện tốt công tác quy hoạch, tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch theo hướng bền vững, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút khách đến với Cà Mau.
Đối với việc phát triển công nghiệp, hiện cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm đã hoạt động với tổng công suất 1.500 MW cho sản lượng điện hàng năm là khoảng 8 tỷ kWh, 800.000 tấn đạm ure/năm và Dự án Nhà máy xử lý khí công suất hơn 200.000 tấn LPG thương phẩm/năm sắp đi vào vận hành.
Để khai thác tiềm năng phát triển công nghiệp, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư vào khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp đối với các dự án sử dụng công nghệ cao, có hiệu suất đầu tư trên một đơn vị diện tích và lao động ở mức cao, ít gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch phù hợp với điều kiện của tỉnh như: điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối (đã khởi công Dự án điện gió Khai Long - Mũi Cà Mau); không thu hút các dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.
Để đạt mục tiêu “đến năm 2020 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng; liên kết có hiệu quả trên các lĩnh vực với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và TP.HCM theo nội dung đã ký kết. Triển khai thực hiện kế hoạch hợp tác, liên kết phát triển toàn diện kinh tế - xã hội giữa các địa phương, các doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó, tăng cường hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.