Tính đến 17/8, cả nước có 210 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) vừa công bố danh sách các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên cả nước.
Theo đó, tính đến 17/8, cả nước có 210 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó dẫn đầu là TP.HCM với 47 thương nhân, tiếp đến là Cần Thơ 42 thương nhân, Long An 25 thương nhân, Đồng Tháp 19 thương nhân, An Giang 18 thương nhân, Hà Nội 10 thương nhân, Tiền Giang 8 thương nhân..
Đáng chú ý, một số địa phương chỉ có 1 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Định, Bình Dương, Cà Mau, Đà Nẵng, Hà Nam, Hà Tĩnh..
Gạo là điểm sáng xuất khẩu, 7 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 - 8 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Diễn biến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nóng lên từng ngày từ nửa cuối tháng 7, do Ấn Độ và Nga, UAE ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo.
Tính đến ngày 1/8/2023, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, và vượt 610 USD/tấn 1 tuần sau đó, mức giá cao nhất trong 11 năm qua, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước, thấp hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan khoảng 35 USD/tấn.
Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.
Diễn biến tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu xu hướng có lợi cho nước xuất khẩu (sản lượng sản xuất lương thực giảm tại một số quốc gia và khu vực, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động xuất khẩu gạo vẫn còn một số hạn chế.
Theo đó, thị trường nhập khẩu vẫn chưa đa dạng, vẫn phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trọng điểm như Philippines, Trung Quốc và Indonesia ...
Tình hình thị trường thương mại gạo cầu diễn biến quá nhanh, động thái chính sách của một số nước sản xuất, xuất khẩu gạo đưa ra đã ảnh hưởng không tốt đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, gây tác động tâm lý chung đến thị trường.
Do đó, tại Chỉ thị về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước mới nhất, Bộ Công thương chỉ đạo Cục Xuất nhập khẩu theo dõi sát diễn biến thị trường gạo thế giới; phối hợp theo dõi tình hình sản xuất lúa gạo, diễn biến cung cầu, giá cả thị trường thóc, gạo nội địa.
Qua đó, tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo trong tình hình mới, thông tin đến các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hiệu quả.
Đôn đốc Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện báo cáo định kỳ về lượng thóc, gạo tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo; thu mua thóc, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; dự trữ lưu thông theo quy định, đảm bảo an ninh lương thực.
Đối với các thương nhân xuất khẩu gạo, phải thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất và duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
Các vụ, gồm: Thị trường châu Á – châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại các nước theo dõi sát thông tin về tình hình thị trường, động thái cơ chế chính sách xuất khẩu, nhập khẩu khẩu gạo của nước sở tại, chủ động điều tiết, điều hành, hỗ trợ cần thiết.
Riêng đối với các thị trường sản xuất, xuất khẩu gạo (như: thị trường Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Campuchia, Mỹ,…), Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại tăng cường chủ động cập nhật tình hình mùa vụ sản xuất, giá gạo tiêu thụ tại thị trường sở tại, tình hình xuất khẩu và các động thái chính sách liên quan đến bối cảnh thị trường lương thực toàn cầu nhiều biến động.
Tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/8, trong nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.
Đề cập nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói: "Tình hình lương thực trên thế giới khi một số nước cấm xuất khẩu gạo, một số nước rút khỏi thỏa thuận lương thực nên giá gạo tăng lên. Việt Nam tận dụng cơ hội này như thế nào mà vẫn đảm bảo được ổn định thị trường và an ninh lương thực trong nước là bài toán cần phải tính toán để đạt được đa mục tiêu trong giai đoạn này".