Sức khỏe doanh nghiệp
Cá tra Nam Việt thu gần 32 tỷ đồng từ điện mặt trời trong quý III/2021
Hồng Phúc - 23/10/2021 08:11
Trong quý III/2021, doanh thu từ bán điện năng lượng mặt trời đứng thứ 2 trong tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Nam Việt, chỉ đứng sau 621,7 tỷ đồng từ bán thành phẩm.

Công ty cổ phần Nam Việt (Navico, HoSE: ANV) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021.

Hoạt động kinh doanh chính của Nam Việt là nuôi cá; sản xuất bao bì giấy; in bao bì các loại; sản xuất, chế biến thuỷ sản; sản xuất thức ăn thuỷ sản; sản xuất điện năng lượng mặt trời…

Trong quý III/2021, doanh thu từ bán điện năng lượng mặt trời đứng thứ 2 trong tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Nam Việt, chỉ đứng sau 621,7 tỷ đồng từ bán thành phẩm. 

Theo đó, doanh nghiệp này thu về gần 32 tỷ đồng từ bán điện năng lượng mặt trời, trong khi cùng kỳ năm 2020 chỉ được hơn 90,7 triệu đồng. Giá vốn điện mặt trời là 6,9 tỷ đồng. Biên lợi nhuận mảng điện mặt trời của Nam Việt nằm ở mức 92,3%.

Nửa đầu năm nay là giai đoạn Nam Việt có thêm nguồn doanh thu mới từ điện năng lượng mặt trời với doanh thu đạt 57 tỷ đồng.

Biên lợi nhuận gộp của công ty trong nửa đầu năm được cải thiện lên 15.8% so với mức 12.5% so với cùng kỳ cũng như nhờ mảng năng lượng mặt trời có biên lợi nhuận gộp cao (hơn 91%). 

Bảng: Kết quả kinh doanh quý III/2021 của Navico so với cùng kỳ năm ngoái (Đvt: tỷ đồng).

 STT

 Chỉ tiêu

 Quý III/2021

 Quý III/2020

 1 

 Doanh thu thuần

 655,7

 808,2

 2

 Lợi nhuận gộp

 69

 107

 3

 Lợi nhuận thuần

 -19,9

 49,9

 4

 Lợi nhuận trước thuế

 -18,6

 51,6

 5 

 Lợi nhuận sau thuế

 -13,1

 40

Ban lãnh đạo Nam Việt đưa ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến kết quả lỗ ròng 13,1 tỷ đồng trong quý III/2021.

Thứ nhất, doanh thu thuần hợp nhất giảm 152 tỷ đồng so với cùng kỳ do số lượng công nhân làm việc bị giảm sút do phải thực hiện 3 tại chỗ. Điều này dẫn đến sản lượng hàng bán giảm.

Thứ hai, chi phí bán hàng tăng 73% so với cùng kỳ (với gần 66 tỷ đồng), chủ yếu là chi phí cước tàu, chi phí vận chuyển tăng cao.

Cụ thể, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp được kiểm soát chặt chẽ thì chi phí vận chuyển trong quý III của Nam Việt tăng lên 52,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ 18,7 tỷ đồng. 

Thứ ba, phát sinh nhiều chi phí dùng để duy trì mô hình sản xuất 3 tại chỗ như tiền cơm, xét nghiệm SARS-CoV-2,…

Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 2,436 tỷ đồng và lãi sau thuế xấp xỉ 74,4 tỷ đồng, chỉ bằng 64% so với cùng kỳ. 

Người lao động làm việc tại nhà máy Thái Bình Dương của Nam Việt. (Ảnh: Navico).

Theo Báo cáo do Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng công bố, có 3 động lực thúc đẩy Nam Việt tăng trưởng trong dài hạn.

Thứ nhất, vùng nuôi Bình Phú gia tăng tính hiệu quả của chuỗi giá trị khép kín, nâng cao khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu và kiểm soát chi phí.

Thứ hai, khi thuế xuất khẩu cá tra sang EU giảm từ 9% còn 0% sau 3 năm, Nam Việt nói riêng và doanh nghiệp cùng ngành nói chung có thể tận dụng EVFTA làm động lực tăng trưởng dài hạn cho xuất khẩu cá tra sang EU. 

Động lực tăng trưởng thứ ba đến từ thị trường Trung Quốc và Mỹ.

Đối tác chiến lược Shanghai Feinglei International Trading giúp Nam Việt đưa sản phẩm cá tra cao cấp vào tiêu thụ tại Trung Quốc theo hợp đồng đại lý kéo dài 10 năm tính từ năm 2018, góp phần ổn định đầu ra cho công ty. 

Còn tại Mỹ, Nam Việt hưởng lợi từ kết quả thuế chống bán phá giá 0% trong đợt POR16 sẽ tạo thuận lợi cho công ty quay lại thị trường này. 

Ban lãnh đạo công ty này đã dự tính sẽ quay lại thị trường Mỹ sau khi hoàn tất đàm phán với đối tác tại Mỹ.

Dù dịch Covid-19 kéo dài thời gian đàm phán, nhưng thị trường Mỹ sẽ trở thành một trong những động lực tăng trưởng của Nam Việt trong tương lai.

Chốt phiên giao dịch ngày 22/10, cổ phiếu ANV giảm 2,3%, chỉ còn 31.550 đồng/cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác