Thời sự
Các Chủ tịch Quốc hội thế giới cam kết nỗ lực gấp đôi đối phó đại dịch Covid-19
An Nguyên - 21/08/2020 10:37
Các Chủ tịch Quốc hội khẳng định sẽ sát cánh cùng các nghị sĩ và người dân trong thời điểm mang tính lịch sử toàn cầu đối mặt với đại dịch Covid-19

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội Thế giới Lần thứ V được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong hai ngày 19 và 20/8 - (Ảnh: Trọng Quỳnh)

.

Đó là  thông điệp tại Tuyên bố Về sự lãnh đạo nghị viện để thực hiện chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hoà bình và phát triển bền vững cho người dân và thế giới.

Tuyên bố này đã được thông qua trong phiên bế mạc Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội Thế giới lần thứ 5, tối 20/8  (giờ Hà Nội).

Trước đó, trong ngày làm việc thứ hai, Hội nghị đã nghe, thảo luận các báo cáo về Dân chủ và vai trò thay đổi của nghị viện trong thế kỷ 21; Khoa học, công nghệ và đạo đức: những thách thức mới nổi và giải pháp cấp bách, Tăng cường quản trị bằng cách thu hẹp khoảng cách giữa các nghị viện và người dân. Thúc đẩy nền kinh tế toàn diện và bền vững mang lại hạnh phúc và công bằng cho tất cả mọi người cũng là vấn đề được thảo luận.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế tưởng nhớ và tưởng nhớ các nạn nhân khủng bố ngày 21/8, Hội nghị tổ chức sự kiện đặc biệt: Chống khủng bố và bạo lực cực đoan: Góc nhìn của các nạn nhân.

Bằng việc thông qua Tuyên bố chung, các Chủ tịch Quốc hội cùng Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới khẳng định sẽ sát cánh cùng các nghị sĩ và người dân trong thời điểm mang tính lịch sử toàn cầu đối mặt với đại dịch Covid-19. - một khủng hoảng không có biên giới, tác động được cảm nhận ở mọi cấp độ. Đại dịch đã phát triển thành một trong những những thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt với tư cách là một cộng đồng các quốc gia kể từ cuộc Đại suy thoái và Chiến tranh thế giới thứ hai.

Tuyên bố nêu rõ những thách thức toàn cầu yêu cầu các giải pháp toàn cầu, trong đó tăng cường chủ nghĩa đa phương và đoàn kết quốc tế quan trọng hơn bao giờ hết. Đây cũng là thông điệp đã được Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron nhấn mạnh tronh phát biểu khai mạc hội nghị.

Tuyên bố chung cũng khẳng định bằng những điều khoản mạnh mẽ nhất niềm tin và sự ủng hộ của các Chủ tịch Quốc hội cùng các mục đích và nguyên tắc được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc; tin tưởng rằng Liên hợp quốc ngày càng cần thiết hơn bao giờ hết và là nền tảng của các hành động mang tính toàn cầu mạnh mẽ, hiệu quả.

Các Chủ tịch Quốc hội thế giới kêu gọi các quốc gia cùng thực hiện những bước đi mạnh mẽ và mang tính chuyển đổi nhằm biến Chương trình nghị sự của Thập kỷ Hành động các mục tiêu phát triển bền vững thành hiện thực.

Tại hội nghị, các Chủ tịch Quốc hội thế giới cam kết nhân đôi nỗ lực của mình để giúp thực hiện các mục tiêu này một cách đầy đủ và hiệu quả thông qua hoạt động nghị viện.

Các Chủ tịch Quốc hội thế giới cũng nhấn mạnh, để đối phó với đại dịch cần nỗ lực gấp đôi để chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn tốt hợp tác quốc tế về phương pháp thử nghiệm, điều trị, vắc xin và nghiên cứu phát triển y tế, đồng thời kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn cho các nước đang phát triển.

Để giải quyết các hậu quả kinh tế của đại dịch, các Chủ tịch Quốc hội thế giới cho rằng trước mắt cần ưu tiên ngăn chặn nền kinh tế thế giới tiếp tục rơi vào suy thoái; tăng cường điều phối chính sách kinh tế vĩ mô và duy trì thị trường tài chính toàn cầu, đồng thời bảo vệ việc làm và tiền lương. Về trung và dài hạn, nền kinh tế phải được tạo ra việc làm cho tất cả mọi người để vượt qua sự bất bình đẳng ngày càng tăng, chống lại khí hậu thay đổi nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế bao trùm và công bằng xã hội.

Điều quan trọng được thể hiện tại tuyên bố chung là tất cả các Quốc hội cần thực hiện vai trò hiến định của mình để người dân được tham gia và có tiếng nói trong việc quyết định các chính sách. Khẳng định vai trò dẫn dắt của Quốc hội, các Chủ tịch Quốc hội thế giới thống nhất rằng, các Quốc hội có thể ứng dụng công nghệ thông tin, lựa chọn những cách thức mới, hiệu quả hơn để tương tác với người dân và thúc đẩy sự tham gia của người dân vào các hoạt động của Nhà nước; thông qua các hoạt động giáo dục nhằm đưa các nghị viện đến gần hơn với người dân và kêu gọi những người trẻ tham gia nhiều hơn vào đời sống chính trị.

Tại hội nghị này, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã có bài phát biểu về sự tham gia của Quốc hội Việt Nam vào các cơ chế liên nghị viện khu vực và thế giới. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng tham gia thảo luận về chủ đề "Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu".

Người đứng đầu Quốc hội Việt Nam khẳng định, là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, trong những năm qua, Quốc hội Việt Nam đã tham gia tích cực vào các cơ chế liên nghị viện khu vực và thế giới, góp phần củng cố hòa bình, thúc đẩy hợp tác và triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.

Tin liên quan
Tin khác