Một phát biểu rất đáng chú ý của ông Tomaso Andreatta, đồng Chủ tịch VBF, đó là ông đã cảnh báo những rủi ro bên trong của nền kinh tế, mặc dù luôn khẳng định những tiến bộ đáng kể của Việt Nam trong ổn định kinh tế và kiềm chế nợ công.
“Bên trong, có thể xảy ra việc vỡ bong bóng bất động sản và gây hậu quả lên hệ thống ngân hàng, và ảnh hưởng đến nền kinh tế; còn bên ngoài, thì sự bảo hộ ngày càng tăng của nhiều quốc gia và khu vực kinh tế cũng rất quan trọng đối với thương mại của Việt Nam”, ông Tomaso Andreatta khẳng định.
Cũng theo vị đồng Chủ tịch VBF, so với những nền kinh tế lớn khác, thương mại quan trọng hơn với kinh tế Việt Nam, do vậy kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các cuộc chiến tranh thương mại.
Do đó, ông Tomaso Andreatta cho rằng, lựa chọn đúng đắn không phải là bảo vệ thị trường nội địa mà cần tiếp tục là một trong những nước có nhiều nhất các hiệp định thương mại tự do. “Cần phê chuẩn các hiệp định đã ký và cải cách hệ thống luật pháp để tuân thủ các hiệp định này”, ông Tomaso Andreatta khuyến nghị.
Trong khi đó, liên quan đến chủ đề của VBF giữa kỳ, là mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, ông Tomaso Andreatta đã nhắc đến thực tế là các doanh nghiệp Việt Nam thường là “quá nhỏ và quá thiếu kiến thức” cũng như kinh nghiệm trong việc bán sản phẩm cho các khách hàng có thị trường toàn cầu, và phải sản xuất các sản phẩm chất lượng hàng đầu với mức giá hợp lý.
“Đó là lý do tại sao doanh nghiệp nước ngoài vẫn phải mang các nhà cung cấp từ bên ngoài vào”, ông Tomaso Andreatta nói và cho rằng, Chính phủ Việt Nam phải làm rất nhiều việc để cải thiện những vấn đề này.
Một hạn chế nữa của Việt Nam, theo ông Tomaso Andreatta, là trong thu hút đầu tư vào công nghệ cao. Dân số đông nhưng quy mô tiền tệ của thị trường đối với hầu hết các sản phẩm, từ tiêu dùng đến công nghiệp đều rất hạn chế và người tiêu dùng Việt Nam hầu hết mua hàng sản xuất ở châu Á.
“Nhiều công ty sản xuất tại Việt Nam phải tái xuất 100% hàng hóa, và như vậy một lần nữa đã cô lập các doanh nghiệp trong nước ra khỏi các doanh nghiệp FDI”, ông Tomaso Andreatta đề cập một thực tế.
Và giải pháp, theo ông Tomaso Andreatta là một mặt cần hướng dẫn các công ty lớn trong nước từ bỏ bất động sản, mặt khác cần quản lý chuyên dụng mới và đặt nền tảng cho các công ty thuộc các ngành công nghiệp và công nghệ hiện đại.
“Ngoài ra, cần tập trung các công ty hiện nay thành những công ty lớn có đủ khả năng tham gia vào những hoạt động kinh doanh phức tạp hơn và có thể thu hút được những tài năng và kỹ năng cần thiết”, ông Tomaso Andreatta đề xuất.
Việc giảm gánh nặng thuế và hải quan cũng được ông Tomaso Andreatta cho rằng là sẽ giúp giải phóng nguồn lực cho các công ty trong nước để đầu tư vào kiến thức và công nghệ và thu hút các công ty nước ngoài sản xuất cho thị trường nội địa.
“Như vậy thì sẽ mở cánh cửa hợp tác giữa hai bên”, ông Tomaso Andreatta nhấn mạnh.