Cú hích mới
Chỉ cách đây ít ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đặc khu, do Thủ tướng trực tiếp làm Trưởng ban. Ngoài các Phó trưởng ban là Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, thì Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng được giao nhiệm vụ Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đặc khu.
Với lợi thế vượt trội, đặc biệt nằm ven biển, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được quy hoạch là một trong ba đặc khu của cả nước. Ảnh: Đức Thanh |
Theo quyết định của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Một động thái rõ ràng cho thấy, Chính phủ đang rất quyết tâm xây dựng 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Khi Ban Chỉ đạo quốc gia được thành lập, với đích thân Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu, mọi việc chắc chắn sẽ được đẩy nhanh hơn, nên đây được coi là một cú hích cho việc thành lập các đặc khu kinh tế trong tương lai.
Hiện đã cuối tháng 1/2018, nghĩa là chỉ còn khoảng 4 tháng nữa để các địa phương tiếp tục hoàn thiện các đề án thành lập đặc khu và để Ban Soạn thảo Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV, dự kiến diễn ra vào tháng 5/2018.
Theo kế hoạch, tháng 2/2018, Dự thảo một lần nữa sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi đã được cho ý kiến vào kỳ họp mới đây. Từ đó, thống nhất các điểm cốt yếu của Dự thảo luật, đặc biệt là các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đặc khu, trước khi chính thức được trình Quốc hội vào tháng 5/2018.
Tăng tốc chuẩn bị cho đường dài
Trong khi các bước chuẩn bị về thể chế, chính sách đang được đẩy nhanh, thì ở các địa phương, công tác chuẩn bị cho việc hình thành các đặc khu cũng đã sẵn sàng.
Quảng Ninh rất “sốt sắng” với việc thành lập đặc khu. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã công bố danh mục 5 dự án mà tỉnh này muốn kêu gọi đầu tư vào Vân Đồn, với vốn đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng.
Trong số này, có Dự án Khu du lịch sinh thái đảo Phượng Hoàng, quy mô 691 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 5.500 tỷ đồng; Dự án du lịch tại đảo Nất Đất, quy mô 116 ha, tổng mức đầu tư khoảng 3.150 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch biển Hòn Soi Nhụ, quy mô 120 ha, tổng mức đầu tư 637 tỷ đồng…
Không chỉ có những dự án kêu gọi đầu tư mới, thực tế thời gian qua, Quảng Ninh đã rất tích cực kêu gọi đầu tư vào Vân Đồn. Hai trong số đó là Sân bay Vân Đồn và Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng có casino. Đây chính là hai dự án có ý nghĩa động lực đối với sự phát triển của đặc khu Vân Đồn.
“Thời gian qua, chúng tôi đã ưu tiên nguồn lực và huy động vốn của doanh nghiệp đầu tư cho Vân Đồn, với tổng vốn đầu tư lên đến trên 55.000 tỷ đồng; trong đó, tập trung vào xây dựng đường cao tốc đến Vân Đồn và Sân bay Vân Đồn”, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Đến Vân Đồn vào những ngày này, có thể thấy rất rõ, hình hài của Sân bay Vân Đồn đã được định rõ. Theo kế hoạch, vào tháng 6/2018, dự án trọng điểm này sẽ hoàn thành, góp phần quan trọng kéo gần khoảng cách giữa Vân Đồn và các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Dự án Khu phức hợp có casino cũng đang rốt ráo được chuẩn bị để có thể sớm khởi công.
Không thua kém, thậm chí còn đi trước Vân Đồn một bước, Phú Quốc dường như còn sẵn sàng hơn cho việc thành lập đặc khu. Bởi lẽ, trong 3 đặc khu, thì Đảo Ngọc đã được tập trung đầu tư hạ tầng và cũng đã thu hút được rất nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, nhất là trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch, để biến hòn đảo xinh đẹp này thành một trung tâm du lịch lớn của cả nước, thậm chí là của khu vực.
Con số được nhắc đến, đó là Phú Quốc đã thu hút được 265 dự án, với tổng vốn đầu tư 377.000 tỷ đồng, tương đương 16,7 tỷ USD. Trong đó, có 200 dự án với tổng vốn đầu tư 220.000 tỷ đồng thuộc các lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí.
Để “đón phượng hoàng”, cơ sở hạ tầng ở đây cũng đã được đầu tư xây dựng, trong đó có Sân bay Phú Quốc, tạo điều kiện thuận lợi để Phú Quốc cất cánh. Ngay cả dự án khu nghỉ dưỡng phức hợp có casino, theo nguồn tin của Báo Đầu tư, cũng đã sẵn sàng để đón khách.
Bước đi chậm hơn là Bắc Vân Phong, bởi nơi này vẫn đang “trắng” dự án đầu tư. Tuy nhiên, trên một khía cạnh nào đó, đây lại chính là lợi thế của Bắc Vân Phong khi kế hoạch thành lập đặc khu được thông qua. Bắc Vân Phong có quỹ đất đủ rộng để xây dựng quy hoạch đồng bộ, có tầm nhìn xa ngay từ đầu và dễ dàng hơn trong thu hút đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư chiến lược.
Một cách hồ hởi, ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho biết, Bắc Vân Phong cũng đã sẵn sàng cho việc thành lập đặc khu.