Dù thời gian có hạn, nhiều đại biểu đăng ký phát biểu mà không đủ thời gian, song điều khiển phiên thảo luận chiều nay về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã “ưu tiên” dành thời gian cho các đại biểu đến từ các địa phương có đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu), là Quảng Ninh (Vân Đồn), Khánh Hòa (Bắc Vân Phong) và Kiên Giang (Phú Quốc).
đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) |
Và một điều dễ hiểu, các vị đại biểu Quốc hội đến từ các địa phương này đều bày tỏ sự đồng tình đối với việc cần thiết ban hành Luật và thông qua đề án thành lập các đặc khu. Thậm chí, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) còn khẳng định, đã có đủ điều kiện về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và có cả một quá trình nghiên cứu về mô hình này. Do vậy nếu không ban hành pháp luật kịp thời, thì “có thể Việt Nam sẽ mất đi một số cơ hội kêu gọi thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhất là trong giai đoạn hội nhập ngày càng sâu rộng.
“Tôi nghĩ xây dựng đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ tạo ra điểm nhấn cho phát triển kinh tế Việt Nam, tạo chính sách mới, động lực mới vượt trội với bộ máy chính quyền gọn, hiệu lực, hiệu quả, trong đó phát huy tối đa quyền, trách nhiệm của người đứng đầu”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nói và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để luật này và các đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được sớm thông qua tại kỳ họp thứ 5 tới đây.
Không những đồng tình với các quy định trong Dự thảo Luật về phát triển ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn - Quảng Ninh, Bắc Vân Phong - Khánh Hòa và Phú Quốc - Kiên Giang, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé còn khẳng định: “Chúng tôi đã có tư thế chuẩn bị sẵn sàng thực hiện các bước, lấy ý kiến đồng thuận trong xã hội và cơ bản đã sẵn sàng thực hiện những bước kế tiếp”.
Trong khi đó, liên quan đến phương án tổ chức chính quyền địa phương đặc khu, các đại biểu nhất trí theo hướng xây dựng thiết chế Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
“Tôi đề nghị thực hiện theo phương án 1 là bởi vì, đây là phương án có sự đổi mới về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương, bộ máy và nhân lực tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với tính chất đặc biệt của đơn vị hành chính - kinh tế”, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) nói.
Theo lý giải của vị đại biểu này, phương án 1 là đúng với định hướng của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động trong phương thức quản lý tiên tiến và đúng với quy định của Hiến pháp.
Thêm nữa, việc Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được ủy quyền ở cấp trung ương và cấp tỉnh sẽ tạo sự chủ động trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quyết định và giải quyết kịp thời, thông suốt những vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội trên địa bàn.
“Trao quyền gắn với trách nhiệm và chọn đúng người có phẩm chất tốt, năng lực, năng động thì sẽ đáp ứng được yêu cầu vận hành phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Việc không tổ chức HĐND tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đúng là điểm khác biệt nhưng không làm giảm đi quyền giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân”, đại biểu Đỗ Thị Lan nói.
Trong khi đó, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) thì cho biết đã “chờ đợi quá lâu”, nên kỳ họp này cho ý kiến, kỳ họp tới giữa năm 2018, thì xem xét thông qua Dự luật.
“Một nội dung cũng rất quan trọng và chiếm khá nhiều thời gian phát biểu của đại biểu và tranh luận đó chính là mô hình chính quyền của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tôi hoàn toàn tán thành phương án 1. Chỗ này có nhiều ý kiến băn khoăn là có vi hiến hay không”, đại biểu Lê Xuân Thân nói và bày tỏ quan điểm rằng, nếu đại biểu Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải thực hiện quyền của mình và giải thích Hiến pháp và pháp luật.
“Thẩm quyền giải thích Hiến pháp thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải thích được điều này thì bảo đảm ban hành luật này sẽ không vi hiến”, đại biểu Lê Xuân Thân nhấn mạnh.