Nhiều dự án giao thông lớn vẫn khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong ảnh: Thi công cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng |
Nỗi lo mặt bằng
Gần 3 tuần sau cơn bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu sau bão, nhịp thi công khẩn trương trên các công trình cầu thuộc Gói thầu XL 24, Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn I), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang đã trở lại, thậm chí còn rốt ráo hơn, để bù lại khoảng thời gian công trường gần như bị ngưng đọng do ảnh hưởng thời tiết.
Tại Gói thầu XL 24, cầu Hàm Yên - công trình cầu vượt sông Lô có chiều dài 343 m, là cây cầu lớn nhất của Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, 2 trụ nằm giữa sông cũng đang được thi công trở lại sau khi chờ điều chỉnh thiết kế do gặp phải hang caster.
Gói thầu XL 24 được chủ đầu tư phân chia khá đặc biệt, khi 20 cầu vượt quốc lộ, cầu vượt sông trên đoạn tuyến nằm rải rác suốt trong phạm vi công địa lên tới 77 km.
Đây là thách thức rất lớn đối với nhà thầu trong việc tối ưu hóa các biện pháp tổ chức thi công những hạng mục của Gói thầu XL 04, bởi thay vì có thể thi công cuốn chiếu, để đáp ứng yêu cầu hoàn thành công trình vào cuối năm 2025, các nhà thầu buộc phải tổ chức thi công đồng loạt tại 20 vị trí, huy động một lượng lớn nhân lực, thiết bị.
Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là khó khăn lớn nhất tại Gói thầu XL 24 mà liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Cầu 75 đang phải xử lý.
Theo Ban điều hành Gói thầu XL 24, sau 10 tháng triển khai, mới chỉ có 15/20 cầu được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng gồm: Mỹ Lâm, Đức Ninh, Ngòi Là 2, Khe Lãnh, Ơ Rô, Ngòi Lũ, Ngòi Họp, Suối Thụt, cầu vượt Quốc lộ 37 Km12+450, cầu trên nhánh nút giao Quốc lộ 3B (Km34+631), cầu vượt ĐT.189 (Km69+672,89), cầu trên nhánh nút giao Bạch Xa (Km70+949.58)... Ngoài ra, chủ đầu tư đã bàn giao phần dưới nước cầu Hàm Yên (Km49+663,5) và cầu Vĩnh Tuy (Km76+798,74).
Trong số 15 cầu được cho là đã bàn giao mặt bằng, vẫn còn một số dự án cầu đang gặp khó khăn, vướng mắc, liên quan đến đường công vụ ngoại tuyến, dọc tuyến chính, đường tiếp cận vào thi công. Để đẩy nhanh tiến độ, nhà thầu đã chủ động hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ dân tại khu vực cầu Hàm Yên, Km48, cầu vượt Quốc lộ 37, Khe Lãnh, Ngòi Là 2... để đảm bảo tiến độ thi công.
“Hiện nhà thầu phải chủ động bỏ ra hàng trăm triệu đồng thuê đất của người dân để có thể tiếp cận các vị trí thi công. Tinh thần là có mặt bằng đến đâu, chúng tôi sẽ lập tức đưa nhân lực, thiết bị vào thi công, kể cả công địa chỉ có đủ để thi công 1 trụ cầu”, ông Lê Đức Tranh, Giám đốc Ban điều hành Gói thầu XL24 cho biết.
Theo đại diện liên danh nhà thầu, nếu công tác bàn giao mặt bằng không được xử lý dứt điểm trong quý IV/2024, thì đây sẽ là đường găng tiến độ của Dự án, thậm chí trở thành “điểm nghẽn” của lộ trình hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn I), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang vào tháng 12/2025 như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Trong báo cáo tình hình thực hiện Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn I), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang gửi Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải vào đầu tháng 10/2024, UBND tỉnh Tuyên Quang thừa nhận, tiến độ Dự án chưa đáp ứng yêu cầu so với kế hoạch đề ra.
Ngoài lý do thời tiết diễn biến bất lợi, mặt bằng triển khai thi công trên đoạn tuyến qua Tuyên Quang mới đạt 56,96/69,7 km (bằng 81,72%) cũng đang là trở lực khiến giá trị sản lượng của phần lớn gói thầu xây lắp tại Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 6.800 tỷ đồng này vẫn chỉ loanh quanh ở mức 11-12%, dù đã trải qua 10 tháng thi công.
Xóa thế “xôi đỗ” mặt bằng
Tại Tuyên Quang còn một công trình hạ tầng giao thông quan trọng khác cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng là Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư.
Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, sau 4 tháng khởi công, công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang rất chậm, thời gian qua chưa có nhiều tiến triển; các đoạn mặt bằng bàn giao không liên tục, một số vị trí còn vướng đường điện cao thế, công trình hạ tầng kỹ thuật… gây khó khăn cho công tác tổ chức thi công của nhà thầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của Dự án.
Tính đến ngày 8/10, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang mới bàn giao được 1,24/16,7 km (đạt 7,4%); hầu hết các mốc tiến độ về giải phóng mặt bằng mà UBND huyện Yên Sơn thống nhất với Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đều không hoàn thành theo kế hoạch, trong khi thời hạn hoàn thành công trình được ấn định là vào cuối tháng 12/2025.
Theo Bộ GTVT, hiện có ít nhất 3 dự án đường bộ cao tốc thuộc danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT đang gặp vấn đề về công tác giải phóng mặt bằng, gồm: Hữu Nghị - Chi Lăng; Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Biên Hòa - Vũng Tàu. Trong đó, Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là công trình nằm trong đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” do Chính phủ phát động.
Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) - chủ đầu tư Dự án thành phần 2 thuộc Dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I cho biết, tính đến đầu tháng 10/2024 (tức là sau hơn 15 tháng triển khai) Dự án mới chỉ bàn giao với diện tích 118,23/176,74 ha (đạt 66,89%) với chiều dài không liên tục khoảng 12,4/18,2 km toàn tuyến.
Một số hộ dân thuộc trường hợp vận động bàn giao trước chỉ mới cho phép nhà thầu tổ chức dọn dẹp mặt bằng, thi công đường tạm, mà chưa cho phép thi công đào, đắp nền đường hoặc thi công các loại kết cấu khác; một số vị trí còn vướng cây cối, vật kiến trúc do các hộ dân chậm phá dỡ thu hồi; các vị trí cầu vượt ngang, hầm chui dân sinh, cống thoát nước ngang còn vướng công trình hạ tầng kỹ thuật nên không thể tổ chức thi công…
Không chỉ riêng Dự án thành phần 2, công tác giải phóng mặt bằng toàn Dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng mới chỉ đạt 66%.
“Diện tích mặt bằng tại Dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được bàn giao còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo khả năng tổ chức thi công đồng loạt, ảnh hưởng đến tiến độ dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2025, khai thác đồng bộ năm 2026”, Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 59/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I nêu rõ.
Chậm giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm ngoài việc ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành, còn ảnh hưởng lớn tới kế hoạch giải ngân, gây lãng phí lớn khi máy móc, thiết bị nhân lực được nhà thầu, nhà đầu tư được huy động đến công trường nhưng không thể triển khai thi công.
“Nếu các địa phương không tập trung vào các vị trí đường “găng” để ưu tiên trước; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng cường công tác dân vận để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án ngay trong quý IV/2024, các đợt thi đua nước rút 500 ngày đêm sẽ không đủ động lực để tạo nên bước chuyển thực sự trên công trường”, đại diện Bộ GTVT đánh giá.