Thi công nền đường tại cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn. |
Nguy cơ kép
Từ hơn 4 tháng nay, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phương Thành (Hà Nội) đứng ngồi không yên mỗi khi nghe điện thoại của chỉ huy trưởng công trường xây dựng cầu Vĩnh An (thuộc Gói thầu XL13, Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45) báo cáo về việc cung ứng thép phục vụ thi công.
“Giá thép tăng từng ngày. Mới đầu tuần, các nhà cung cấp báo giá ở mức 19.000 đồng/kg, đến cuối tuần đã tăng lên 19.700 đồng/kg. Giá này đã cao hơn 40% so với giá bỏ thầu của chúng tôi”, ông Khôi nói.
Không chỉ giá tăng, việc cung ứng thép tại Gói thầu XL13 nói riêng và toàn Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 cũng rất căng thẳng, khi các đại lý thép lớn trên địa bàn Thanh Hóa chỉ cung cấp được 50 - 60% khối lượng so với nhu cầu, mặc dù các nhà thầu đã đặt tiền trước 1 - 2 tuần.
Điều đáng nói là, tình trạng giá thép tăng cao và rất khó mua đang lan khắp 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, khiến các nhà thầu thi công hạng mục cầu vượt sông đứng trước nguy cơ kép: chậm tiến độ và thua lỗ lớn.
Ông Trần Quang Tuyến, Phó tổng giám đốc Công ty Xây dựng Vạn Cường - một trong 3 nhà thầu chính thi công Gói thầu XL1, Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, tại thời điểm bỏ thầu (tháng 10/2020), giá thép xây dựng được chủ đầu tư cập nhật trong dự toán chỉ khoảng 11.000 - 12.000 đồng/kg. Do sự cạnh tranh trong quá trình đấu thầu các dự án cao tốc Bắc - Nam rất lớn, nên các nhà thầu dám chỉ bỏ giá thép quanh mức giá này, dẫn đến việc giá thắng thầu và giá thực tế phải mua vào đang tồn tại một khoảng cách lớn.
Không chỉ thép, giá một số loại vật liệu cơ bản khác phục vụ thi công các dự án đường cao tốc Bắc - Nam như xi măng cũng đang có dấu hiệu leo thang, do nhu cầu xây dựng tăng đột biến trên phạm vi cả nước. Đại diện Công ty Vạn Cường cho biết, giá xi măng mà nhà thầu này đang phải nhập ở thời điểm hiện tại cao hơn khoảng 40.000 đồng/tấn so với thời điểm bắt đầu triển khai công trình (tháng 12/2020).
Được biết, thép và xi măng nằm trong danh mục vật liệu tại các dự án thành phần xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sử dụng vốn đầu tư công được phép điều chỉnh giá theo Chỉ số Giá xây dựng do sở xây dựng các địa phương công bố. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều nhà thầu, Chỉ số Giá xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố vừa chậm, vừa không phản ánh chính xác biến động giá của từng loạt vật liệu, đặc biệt, thép và xi măng thường có biên độ biến động lớn.
“Hiện ở khu vực Thanh Hóa, Chỉ số Giá xây dựng được công bố theo quý và mới chỉ có Chỉ số Giá xây dựng quý III/2020, trong khi giá các loại vật tư thì biến động theo tuần, thậm chí có loại theo ngày”, đại diện Công ty Phương Thành chia sẻ.
Ông Lương Quang Long, Giám đốc Dự án Đường cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 (Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết, đến thời điểm này, chưa thể khẳng định giá thép, xi măng, xăng dầu sẽ tăng đột biến như giai đoạn 2008 - 2010, nhưng xu hướng tăng và khan hiếm 2 loại vật tư thiết yếu này là rất rõ.
“Nếu giá vật liệu xây dựng không được các cơ quan chức năng kiểm soát tốt, sẽ khiến nhà thầu sớm kiệt sức, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thi công các dự án trọng điểm”, ông Long lo ngại.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, hiện nhiều nhà thầu chính thi công công trình cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang rất khó khăn trong việc tìm kiếm thầu phụ thi công các hạng mục đơn giản.
“Giá bỏ thầu các gói thầu cao tốc Bắc - Nam nhìn chung rất thấp, nay gặp phải đợt biến động giá này khiến cả nhà thầu chính và thầu phụ càng chật vật trong việc triển khai thi công, dù việc giải ngân, thanh toán khối lượng hoàn thành được các chủ đầu tư quan tâm giải quyết sớm”, một nhà thầu cho biết.
Căng thẳng vật liệu đất đắp
Không chỉ đơn vị thi công hạng mục cầu đang gặp khó khăn, mà các nhà thầu thi công phần đường thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng đang phải “giật gấu vá vai” đối với loại vật liệu tưởng như rất sẵn có là đất đắp.
“Tình trạng khan hiếm đất đắp diễn ra ngay từ những ngày đầu triển khai Dự án (tháng 12/2020) đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngay trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi chỉ có thể nhận được vài xe đất đắp mỗi ngày, trong khi nhu cầu lên tới cả trăm mét khối, dù đã chủ động làm việc, đặt tiền trước cho các chủ mỏ”, một nhà thầu thi công Dự án Cao tốc Bắc - Nam, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết than thở.
Được biết, Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh với tổng chiều dài khoảng 653 km. Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, nhu cầu vật liệu đất đắp (sau khi đã điều phối dọc tuyến) cho toàn bộ 11 dự án khoảng 54 triệu m3, khả năng cung cấp của các mỏ đất tại địa phương có dự án đi qua khoảng 161,5 triệu m3, đáp ứng nhu cầu về vật liệu đất đắp cho dự án, bao gồm: các mỏ đất đang hoạt động khai thác; các mỏ đất còn trữ lượng, nhưng đã hết hạn giấy phép khai thác; các mỏ đất đã có trong quy hoạch của địa phương, nhưng chưa có giấy phép khai thác.
Tuy nhiên, do các dự án cao tốc Bắc - Nam yêu cầu hoàn thành trong năm 2022 (24 tháng thi công), trong đó, tiến độ yêu cầu hoàn thành nền đường các gói thầu, dự án thành phần trong cùng một thời gian, nên nhu cầu vật liệu đất đắp tăng đột biến.
Tính đến cuối tháng 4/2021, các mỏ mới đủ kiện khai thác 32,2/54 triệu m3 đất đắp, còn lại 21,8/54 triệu m3 chưa đủ điều kiện khai thác. Khối lượng này dự kiến lấy tại các mỏ đang hoàn tất thủ tục (cấp/gia hạn giấy phép, giải phóng mặt bằng mỏ, làm đường vào mỏ…) dẫn đến khả năng kéo dài tiến độ, thậm chí phải dừng thi công do phải chờ thủ tục khai thác mỏ.
Theo Bộ Giao thông - Vận tải, khối lượng chưa đủ điều kiện khai thác tập trung tại 8 dự án thành phần (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) thuộc địa bàn 7 tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Thuận và Đồng Nai.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vật liệu đất đắp nền đường tại Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, Bộ Giao thông - Vận tải đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương quan tâm, ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các điều kiện, thủ tục còn thiếu cho các mỏ đã được cấp phép, nhưng chưa khai thác được; cấp phép khai thác đối với các mỏ đã có trong quy hoạch; nâng công suất khai thác mỏ đối với các mỏ đang khai thác có công suất nhỏ; gia hạn giấy phép mỏ đối với các mỏ đã hết hạn khai thác nhưng còn trữ lượng để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu phục vụ thi công Dự án.
“Đây là yêu cầu tiên quyết để tránh hiện tượng đầu cơ, thổi giá loại vật liệu cơ bản này, qua đó góp phần giữ vững tiến độ các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam”, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đánh giá.
Kiểm soát chặt giá thép, tránh hiện tượng đầu cơ, thổi giá
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng.
Theo Bộ Xây dựng, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định: “UBND cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho
sở xây dựng công bố giá các loại vật liệu xây dựng, thiết bị công trình trên địa bàn tỉnh theo định kỳ hàng quý hoặc sớm hơn khi cần thiết”. Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc công bố giá vật liệu xây dựng còn chậm, biến động giá thép và giá một số vật liệu xây dựng chưa được cập nhật kịp thời hoặc đã được cập nhật, nhưng chưa bám sát diễn biến thị trường.
Trước tình hình nêu trên, Bộ Xây dựng đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, Chỉ số Giá xây dựng phù hợp mặt bằng giá thị trường, lưu ý tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá…
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị có liên quan đánh giá tác động của Covid-19 và biến động giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu, nhất là giá thép đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, các dự án PPP thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng; dự báo, xây dựng các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến mức tăng tổng mức đầu tư và khả năng đáp ứng về nguồn vốn để đảm bảo việc triển khai, thực hiện dự án.