Tài chính - Chứng khoán
Các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh nợ thuế tới 2.500 tỷ đồng
Trang Nguyễn - 03/12/2015 16:26
Tiếp tục ngày làm việc thứ 3 của kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội lần thứ 14, hôm nay (3/12), HĐND Thành phố Hà Nội dành trọn một ngày để chất vấn các thành viên UBND Thành phố về các vấn đề nóng được nhiều cử tri quan tâm, trong đó nổi cộm là các vấn đề liên quan đến nợ thuế.
Ông Hà Minh Hải, Cục trưởng Cục thuế Hà Nội trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề kinh tế, nợ thuế

Trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề nợ thuế mà các đại biểu đưa ra trong phiên chất vấn, ông Hà Minh Hải, Cục trưởng Cục thuế Hà Nội cho biết, từ năm 2007, trước thời điểm khủng hoảng tài chính lan rộng, số nợ thuế là trên 2.000 tỷ đồng, chiếm 5%. Tuy nhiên, sau khi khủng hoảng lan rộng, cộng với tình hình bất động sản đóng băng, đến năm 2014, số nợ thuế tăng có khả năng tăng lên 18.699 tỷ đồng, chiếm 17% tổng số. Tiền chậm nộp lên trên 5.275 tỷ đồng, chiếm 28% tổng số nợ thuế. Hiện nay, tiền chậm nộp 10 tháng đầu năm 2015 là 7.092 tỷ đồng, chiếm 36,8% tổng nợ, tăng theo cấp số cộng, gần 2.000 tỷ đồng/năm.

Theo Cục thuế Hà Nội, hiện nay có gần 2.500 tỷ đồng tiền nợ thuế của đơn vị bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm ngừng, tạm nghỉ. Lý giải nguyên nhân số tiền thuế từ các đơn vị bỏ địa chỉ kinh doanh tăng lên một cách nhanh chóng, ông Hải cho biết thêm, hiện các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh ở 3 trạng thái cơ bản. Đối tượng thứ nhất là các doanh nghiệp thành lập để buôn bán hoá đơn, làm ăn bấp hợp pháp. Đối tượng này thành lập xong thì giải thể ngay, rất khó phát hiện và thường số nợ thuế không lớn. Đối tượng thứ hai là những doanh nghiệp thành lập ra nhưng gặp khó khăn phải ngừng nghỉ hẳn thì không nhận diện được. Đối tượng thứ ba là bỏ doanh nghiệp này để lập doanh nghiệp khác mà vẫn là cá nhân đó với ý đồ chiếm đoạt thuế.

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cũng cho biết, với số nợ thuế có khả năng thu, Cục đang đánh giá tổng nợ thuế phí, tiền sử dụng đất có khả năng thu trên 13.000 tỷ đồng. Toàn bộ số nợ phải được đôn đốc thu vào ngân sách nhà nước bằng tất cả các giải pháp theo đúng quy trình. Trường hợp đang chờ xử lý tiếp tục kiến nghị để xử lý. Nếu đến năm 2016, Thành phố không xử lý triệt để thì tiếp tục số nợ sẽ tăng lên do chậm nộp sẽ làm việc xử lý nợ thêm nhiều khó khăn.

Trả lời đại biểu về sự phối hợp của lực lượng công an Thành phố với Cục thuế trong việc xử lý doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh cũng như doanh nghiệp buôn bán hóa đơn, Phó Bí thư Thành ủy, Giám đốc Công an TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, các hành vi vi phạm đã và sẽ được xử lý nghiêm túc cũng như công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian tới.

Theo ông Chung, trong thời gian qua, Công an Hà Nội đã phối với ngành thuế xác minh hơn 300 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh và truy thu thuế của những đối tượng này. Đặc biệt, trong năm 2014, đã phát hiện ra 16 doanh nghiệp được thành lập bởi Nguyễn Trường (Hà Nội) có hoạt động buôn bán hóa đơn với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đến hiện tại đã truy thu được hơn 50 tỷ đồng từ các đối tượng mua hóa đơn của Trường.

Cùng quan điểm với Cục trưởng Cục thuế, ông Chung cho rằng, hoạt động quản lý doanh nghiệp đang có nhiều sơ hở, đặc biệt là vấn đề xác minh nhân thân đối với các đối tượng thành lập doanh nghiệp chưa chặt chẽ, doanh nghiệp được tự in hóa đơn... Thời gian tới, Hà Nội sẽ có mạng dùng chung để quản lý hóa đơn, tới lúc đó việc quản lý doanh nghiệp sẽ chặt chẽ hơn và các vi phạm cũng sẽ giảm.

Tin liên quan
Tin khác