Tại Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho hay, nguồn quỹ của DFC hiện có hơn 100 tỷ USD và đang còn tăng lên là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp ngành năng lượng Việt Nam tận dụng để vay vốn mua khí LNG cũng như thiết bị có nguồn gốc của Hoa Kỳ. Nhất là thời điểm này giá LNG đang rất tốt.
“Hội đồng sẽ cố gắng xúc tiến, kết nối các thoả thuận giao dịch giữa đối tác Việt Nam và các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng của Hoa Kỳ”, ông Thành nói.
Hiện một số doanh nghiệp Hoa Kỳ đang quan tâm tới các dự án trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam như Tập đoàn AES đã được giao phát triển Dự án điện khí LNG Sơn Mỹ 2 công suất 2.200 MW tại tỉnh Bình Thuận; Tập đoàn GE cũng quan tâm tới việc cung cấp thiết bị cho các dự án điện truyền thống và năng lượng tái tạo…
Hiện các dự án điện khí LNG đang được đề xuất tới Chính phủ lên tới gần 50.000 MW. Một số dự án điện khí LNG mới đây đã được bổ sung quy hoạch và chấp thuận có Dự án điện khí LNG Bạc Liêu, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long An I và Long An II đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh được điều chuyển từ sử dụng nhiên liệu than sang dùng nhiên liệu khí LNG, với tổng công suất sau khi chuyển đổi là 3.000 MW; Trung tâm điện khí LNG Long Sơn và Cà Ná…
Tuy vậy các chuyên gia cũng cho rằng, các dự án điện khí LNG cũng như các dự án điện khác đều phải tính thời gian hoạt động là 20 năm, nên nguồn khí cấp cho dự án cũng phải đảm bảo 20-25 năm và phải tính hết các biến động chứ không thể chỉ nhìn vào giá dầu thấp hiện tại để mà tự tin cho cả đời dự án.