Kinh tế xanh theo chân vốn FDI vào Việt Nam
Tăng trưởng xanh đang trở thành xu hướng tất yếu khi hơn 200 quốc gia trên toàn cầu, bao gồm Việt Nam, coi phát triển bền vững là trụ cột trong chiến lược kinh tế xã hội dài hạn sau cam kết tại COP26. Ngày càng nhiều doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực đồng loạt hướng đến sản xuất xanh. Trong ngành dệt may, Adidas cam kết đến 2024, Zara đến 2025 và HM đến 2030 chỉ sử dụng nguyên liệu hữu cơ hoặc tái chế. Nike tuyên bố giảm phát thải carbon 65% ở nhà máy sản xuất, 30% cho toàn chuỗi cung ứng; và đã bắt tay với các đối tác gia công ở Việt Nam lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà xưởng.
Cuộc đua sản xuất xanh còn phải kể đến Heineken Việt Nam với toàn bộ 6 nhà máy đã nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo và yêu cầu các đối tác cũng phải xanh hơn mỗi ngày. Unilever Việt Nam đạt mức sử dụng 48% năng lượng tái tạo, 100% khí thải từ nhà máy là carbon tích cực. Ngành công nghiệp điện tử dẫn đầu bởi Intel, Microsoft, Foxconn, Samsung, Sanyo, Sony, Fujitsu, Toshiba, Panasonic... đều nỗ lực giảm phát thải carbon. Sinh sau để muộn nhưng “xanh hóa” nhanh nhất là lĩnh vực xe điện - cũng đặt ra yêu cầu ngành công nghiệp bổ trợ phải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất phụ tùng.
“Nhà máy xanh” sử dụng 100% năng lượng tái tạo tại Việt Nam |
Hàng loạt “ông lớn” FDI tuyên bố xanh, mở ra những thách thức chưa từng có cho ngành, rộng hơn là cả nền kinh tế. Dù cạnh tranh trực tiếp hay chỉ là mắt xích trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia này, các doanh nghiệp cần tự đặt ra những câu hỏi để xác định lại tầm nhìn dài hạn. Xu hướng sản xuất xanh ngày càng rõ nét, doanh nghiệp đối thủ cần đáp ứng sao để tương lai không hụt hơi? Chuỗi cung ứng từ công nghiệp bổ trợ đến logistic đều trên đường xanh hóa, doanh nghiệp gia công và hậu cần đang ở đâu? Văn phòng của bạn liệu đã đủ xanh để đáp ứng nhu cầu thuê mua của các FDI phát triển bền vững?
Dù nhiều thách thức, song xu thế xanh cũng mang đến không ít cơ hội lớn cho các doanh nghiệp bắt kịp. Một số nhà đầu tư logistic cho hay, nhà kho trước đây chỉ để chứa hàng và không có lý do gì để làm xanh, nay bắt buộc thay đổi để tăng sức cạnh tranh. Trái ngọt cũng đến với doanh nghiệp gia công dệt may có nhà máy đạt chuẩn “công trình xanh”, giành được đơn hàng xuất khẩu giá trị cao. Các dự án bất động sản xanh tăng được giá bán lẫn giá thuê, nâng cao thương hiệu chủ đầu tư. Đặc biệt, nhờ tiết kiệm năng lượng, tất cả các doanh nghiệp này đều giảm đáng kể chi phí vận hành và sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh trong dài hạn.
Giải pháp "xanh" từ bên trong cho nền kinh tế
Đón đầu cơ hội và thực thi cam kết tại COP26, Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh 2021-2030 với mục tiêu xanh hóa nền kinh tế đã và đang được đẩy mạnh. Tại Diễn đàn & Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE 2022) mới đây, Thủ tướng đã tọa đàm đi tìm giải pháp với hơn 200 doanh nghiệp dẫn dầu về phát triển bền vững. Đáng chú ý là sáng kiến về Nhà máy trung hòa carbon, Tòa nhà trung hòa carbon và Năng lượng mặt trời đến từ Schneider Electric giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình từ “nâu sang xanh”.
Mục tiêu của Schneider Electric rất đơn giản – đó là trao quyền cho tất cả doanh nghiệp tận dụng tối đa năng lượng và tài nguyên, bằng cách xây mới hoặc cải tiến các nhà máy và tòa nhà cũ đáp ứng xu thế xanh. Schneider Electric ước tính, năng lượng đang phát thải ra hơn 80% lượng carbon toàn cầu và các công nghệ hiện hữu ngày nay có thể loại bỏ được 70% số carbon này. Điện 4.0 - điện hóa kết hợp số hóa - chính là cách nhanh chóng, an toàn và tiết kiệm chi phí nhất để khử cacbon. Mình chứng bằng các giải pháp thực tế, Schneider Electric cũng đã giúp các doanh nghiệp đối tác cắt giảm được 120Mt CO2.
Schneider Electric kêu gọi doanh nghiệp Việt tăng tốc chuyển đổi năng lượng tại GEFE 2022 |
Ông Romaric Ernst - Phó Tổng Giám đốc Marketing & Phát triển Kinh doanh vùng Đông Á của Schneider Electric cho hay, Schneider Electric tuân thủ cách tiếp cận 3 bước từ thiết lập chiến lược đến thực thi để giúp các đối tác và khách hàng đạt được tham vọng xanh. Bước đầu tiên “Lập chiến lược”, Schneider Electric cung cấp dịch vụ tư vấn phát triển bền vững cho khách hàng, đo lường mức tiêu thụ năng lượng và khí thải hiện tại để đưa ra mục tiêu và kế hoạch phù hợp. Ở bước “Số hóa”, các giải pháp số EcoStruxure được tích hợp nhằm giám sát việc sử dụng và tiết kiệm năng lượng theo thời gian thực. Bước cuối cùng “Điện hóa”, bộ giải pháp đầy đủ đính kèm với EcoStruxure được tung ra để thay thế năng lượng nâu thành điện xanh.
Các giải pháp của Schneider Electric hiện phục vụ từ các tập đoàn đa quốc gia đến doanh nghiệp trong chuỗi ung ứng, đáp ứng mọi quy mô cũng như ngành nghề. Nền tảng EcoStruxure cũng được đo ni cho từng công trình và phân cấp theo mục tiêu từ EcoStruxure Building cho các tòa nhà, EcoStruxure Power quản lý năng lượng cả các nhà máy, EcoStruxure Grid quản lý lưới điện cho các công ty điện và EcoStruxure Microgrid quản lý lưới điện vi mô dành cho những doanh nghiệp muốn bước chân vào thế giới năng lượng mặt trời.
Tất cả lĩnh vực đang chuyển đổi - số hóa hơn và điện hóa hơn, do đó đại diện Schneider Electric nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt không thể đứng ngoài cuộc đua chuyển đổi năng lượng sạch, thậm chí cần tăng tốc chạy đua với thời gian để đón đầu xu thế kinh tế xanh và đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng trong giai đoạn mới.