Thương hiệu Metfone của Viettel ở Campuchia |
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 10 tháng năm 2021, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt trên 646 triệu USD, tăng 35,1% so với cùng kỳ.
Trong đó, có 48 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 218,27 triệu USD, bằng 69,4% so với cùng kỳ và 18 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm gần 427,76 triệu USD, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ.
Trong 10 tháng qua, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 14 ngành. Trong đó hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ dẫn đầu với 3 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt trên 270,8 triệu USD, chiếm 41,9% tổng vốn đầu tư. Ngành bán buôn, bán lẻ đứng thứ 2, với tổng vốn đầu tư gần 152 triệu USD, chiếm 23,5%; tiếp theo là các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo…
Ở góc độ khác, thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, có 22 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2021.
Dẫn đầu là Hoa Kỳ với 3 dự án đầu tư mới và 3 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 305,3 triệu USD, chiếm 47,3% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ hai là Campuchia với tổng vốn đầu tư gần 89,4 triệu USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Israel, Lào,… với vốn đầu tư đạt gần 66,6 triệu USD và trên 47,8 triệu USD.
Như vậy là lũy kế đến 20/10/2021, Việt Nam đã có 1.435 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 21,9 tỷ USD.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (36,2%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,3%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (23,7%); Campuchia (13 %); Nga (12,8%)…
Đầu tư ra nước ngoài khá lớn, nhưng câu hỏi là, hiệu quả của hoạt động đầu tư ra nước ngoài đến đâu, nhất là với các khoản đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước.
Liên quan đến vấn đề này, báo cáo Quốc hội mới đây, Chính phủ cho biết, đến cuối năm 2020, có 131 dự án đầu tư ra nước ngoài của 28 doanh nghiệp nhà nước, với tổng vốn hơn 6,7 tỷ USD. Trong đó, 95% vốn đầu tư thuộc về các dự án đầu tư của PVN, Viettel và Tổng công ty Cao su Việt Nam (VRG).
Tính đến cuối năm ngoái, gần một nửa dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước đã thu hồi vốn, với gần 3,17 tỷ USD (gồm lợi nhuận chuyển về nước 1,45 tỷ USD). Trong đó PVN thu hồi gần 2,4 tỷ USD (60% vốn đầu tư thực hiện), Viettel là 706,29 triệu USD (49% vốn ban đầu).
Riêng năm 2020, 32 dự án đầu tư ra nước ngoài không phát sinh doanh thu, 89 dự án đạt hơn 5,54 tỷ USD doanh thu (giảm 21% so với 2019). 28 dự án bị lỗ, gần 237 triệu USD (tăng 81 triệu USD so với năm 2019).
Ngược lại, có 61 dự án có lợi nhuận, với tổng lãi sau thuế gần 427 triệu USD, giảm 25%. Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam gần 118,8 triệu USD, giảm 42% so với 2019.
Đến cuối năm 2020, còn 46 dự án lỗ, với tổng số lỗ luỹ kế 1,17 tỷ USD, giảm 1 dự án nhưng tăng 120 triệu USD so với 2019.
"Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước trong năm 2020 chưa đạt kỳ vọng", Chính phủ đã nhận xét như vậy.
Ngoài nguyên nhân chủ quan như năng lực quản lý, quản trị rủi ro, dự báo thị trường..., nguyên nhân khách quan về chính sách đầu tư nước sở tại, tác động của Covid-19 khiến tình hình các dự án đầu tư ra nước ngoài năm 2020 bị ảnh hưởng tiêu cực hơn so với 2019.