Sáng 13/12, Diễn đàn Phát triển Việt Nam VDF 2017 đã chính thức được khai mạc. Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vui mừng cho biết, Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận trong năm 2017, trong đó thành công lớn nhất là sau nhiều năm cả 13 mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều có khả năng đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng tốt, đạt khoảng 6,7% trong năm nay.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đó chỉ là một khía cạnh. Trên diễn đàn Quốc hội trong kỳ họp vừa qua, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến chất lượng tăng trưởng, mà một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng cũng như cải thiện chất lượng tăng trưởng chính là tăng năng suất.
. |
“Nhưng đó chỉ là một khía cạnh. Quốc hội quan tâm chất lượng tăng trưởng, một trong những yếu tố quan trọng là tăng năng suất”, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, công cuộc Đổi mới hơn 30 năm qua đã đưa Việt Nam trở thành một nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động chi phí thấp và khai thác tài nguyên.
Cách thức tăng trưởng đó đã không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay, khi tình hình thế giới và cả trong nước đã có nhiều thay đổi, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam.
“Tăng năng suất mới chính là chìa khóa đưa đến tăng trưởng bền vững. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi đối với kinh tế Việt Nam hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Có cùng quan điểm, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, tăng năng suất chính là vấn đề tối quan trọng đối với tăng trưởng trong trung hạn của Việt Nam, để Việt Nam có thể đại được ước vọng trở thành nước có thu nhập trung bình cao.
“Sau suy thoái kinh tế thế giới 7 năm trước, kinh tế Việt Nam đã đạt được mức hồi phục đáng ghi nhận. Nhưng điều đáng quan ngại là mức tăng năng suất của Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 4%, trong khi các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore đạt 7-8% vào thời điểm phát triển tương đương như Việt Nam”, ông Ousmane Dione nói.
Và điều này, theo ông Ousmane Dione, khiến nền kinh tế Việt Nam khó tăng trưởng nhanh và bền vững, cũng khó theo đuổi tốc độ tăng trưởng kinh tế như Hàn Quốc, Singapore đã từng.
“Việt Nam phải quan tâm đến nâng cao hiệu suất, đến tăng trưởng nhanh và bền vững”, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.
Người đứng đầu WB tại Việt Nam, đồng chủ trì VDF 2017 cũng đã hiến kế rằng, để nâng cao năng suất, Việt Nam phải vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường thể chế hiện đại, hiệu quả, tạo điều kiện nhiều hơn cho khu vực tư nhân, đặc biệt trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng, cải thiện phân bổ nguồn lực…
Trong khi đó, là người đầu tiên đăng đàn hiến kế cho Chính phủ Việt Nam để nâng cao năng suất, GS. Rajah Rasiah, giáo sư về Phát triển quốc tế, Đại học Malaya (Malaysia), cố vấn cấp cao UNDP nhấn mạnh rằng, để nâng cao năng suất, Việt Nam cần rà soát lại các chính sách phát triển về nguồn vốn con người, phát triển hạ tầng khoa học - công nghệ hơn nữa, cũng như tập trung phát triển các hạ tầng cơ sở cơ bản như điện nước, y tế, hệ thống giao thông…
“Việt Nam cũng cần khuyến khích đổi mới sáng tạo, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu từ các hoạt động có giá trị gia tăng thấp sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao, bằng cách tăng cường nguồn vốn con người và tăng chi tiêu cho đầu tư và phát triển (R&D)”, GS. Rajah Rasiah nói.
Cũng theo GS. Rajah Rasiah, Việt Nam cần thực hiện các chiến lược nhằm liên kết các công ty trong nước với các công ty FDI và với chuỗi giá trị toàn cầu. “Việc sắp xếp thứ tự của các mối liên kết đó sẽ từng bước thúc đẩy nỗ lực nâng cấp ở các chuỗi giá trị cũng như thúc đẩy khả năng ‘nhảy vọt’ lên mức có thể đảm nhận vai trò chủ đạo của các chuỗi giá trị toàn cầu”, GS. Rajah Rasiah nói.