Thời của điện khí
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vừa có cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh có dự án nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) gồm Bạc Liêu, Long An, Quảng Ninh, Quảng Trị, Ninh Thuận, Quảng Bình, Bình Thuận, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trong Quy hoạch điện VIII đã phê duyệt, tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là 150.000 – 160.000 MW, gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay. Như vậy, bảo đảm cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 là thách thức rất lớn, bởi vừa phải tăng rất nhanh về quy mô, vừa phải chuyển đổi mạnh về cơ cấu để tiệm cận mục tiêu trung hòa các bon và phát triển cân đối các vùng miền, cân đối giữa nguồn và truyền tải.
Dự án LNG Bạc Liêu được cấp chứng nhận đầu tư tháng 1/2020 |
Đặc biệt, việc phát triển nguồn điện nền của nước ta trong thời gian tới được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức. Đó là bởi thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau 2030 theo cam kết với quốc tế.
Vì thế, phát triển nhiệt điện khí (cả tự nhiên và LNG) là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, bởi nguồn điện LNG có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện nhanh cho hệ thống khi các nguồn điện năng lượng tái tạo giảm phát, đồng thời ít phát thải CO2, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Hai năm gần đầy dự án LNG Nhơn Trạch vẫn giẫm chân tại chỗ trong đàm phán PPA |
Hiện nay, có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg. Theo đó, tới năm 2030 sẽ có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất 83 tỷ kWh.
Tuy nhiên, tiến độ chuẩn bị đầu tư xây dựng, vận hành các nhà máy điện LNG khá dài. Nếu tính từ lúc có Quy hoạch đến khi có thể vận hành thì nhanh nhất cũng mất khoảng 8 năm, thậm chí có dự án trên 10 năm.
Lẽ dĩ nhiên, người đứng đầu ngành Công thương cũng thừa nhận, việc chậm tiến độ các nguồn điện, đặc biệt chậm phát triển nguồn điện nền sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng tới an ninh năng lượng điện quốc gia. Vì vậy, việc bàn, thống nhất các giải pháp chủ yếu để sớm đưa các dự án điện khí và các dự án điện nguồn/nền vào sử dụng tại cuộc gặp với lãnh đạo các địa phương có quy hoạch đặt nhà máy điện khí LNG lần này được xem là quan trọng.
Dĩ nhiên, chỉ khi nào có nhà máy điện khí LNG đi vào vận hành thực sự thì mới phát huy được các ưu thế chạy nền, khởi động nhanh, giảm phát thải CO2 như kỳ vọng.
Bế tắc không biết cơ quan nào giải
Trong thông tin phát ra, Bộ Công thương cũng cho hay, tại cuộc họp, đại diện Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVPower) – nhà đầu tư Dự án LNG Nhơn Trạch 3&4 cùng lãnh đạo các tỉnh Bạc Liêu, Long An, Quảng Ninh, Quảng Trị, Ninh Thuận, Quảng Bình, Bình Thuận, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An đã báo cáo tiến độ triển khai, cũng như những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí LNG tại địa phương.
Cũng để bảo đảm các dự án điện khí được triển khai đúng tiến độ theo Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Công thương đã đề nghị Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan, quan tâm chỉ đạo thực hiện một số vấn đề liên quan đến mặt bằng, hạ tầng, môi trường… để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Với các nhà đầu tư trì hoãn không triển khai dự án theo tiến độ đã được phê duyệt hoặc vi phạm các quy định, Bộ Công thương cũng đề nghị kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho biết, tiến độ xây dựng, vận hành các nhà máy điện LNG có ý nghĩa quyết định tới an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030, vì vậy, nếu dự án nào có nguy cơ chậm tiến độ, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy lùi tiến độ của dự án đó và đẩy sớm các dự án dự phòng/hoặc tính toán các phương án khác thay thế để bảo đảm an toàn cấp điện.
Không có nhiều thông tin được Bộ Công thương đưa ra về các kiến nghị cụ thể của các địa phương và chủ đầu tư đang triển khai dự án điện khí LNG.
Trên thực tế, như Báo điện tử Đầu tư -baodautu.vn đã phản ánh rất nhiều lần, việc triển khai một số dự án điện khí LNG đang gặp những bế tắc chưa có lời giải, khiến tiến độ các dự án này đã chậm vài năm.
Ở Phụ lục II của Quy hoạch điện VIII cũng đưa ra danh mục cụ thể tên 15 dự án điện khí LNG tới năm 2045, trong đó có 11 dự án được ghi chú “Đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh” - nghĩa là không cần phải chờ tới khi Quy hoạch Điện VIII được ban hành ngày 15/5/2023 thì các dự án này mới biết mình là ai, làm ở đâu.
Nhưng thực tế triển khai của Dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 cùng LNG Bạc Liêu nói trên cũng cho thấy, không phải cứ nằm trong Quy hoạch điện được ban hành là sẽ thông đồng, bén giọt, triển khai tới đích được nhanh như mong đợi.
Đơn cử như Dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 được triển khai từ năm 2017, nhưng 2 năm trở lại đây gần như “giậm chân tại chỗ” trong đàm phán giá điện và Hợp đồng Mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Bên cạnh việc Bộ Công thương vẫn chưa ban hành khung giá phát điện cho Nhà máy điện khí LNG thì việc cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm (Qc) từ phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và bao tiêu sản lượng khí hàng năm cũng khiến nhà đầu tư lo hiệu quả của dự án.
Trước đó, Chính phủ đã có ý kiến “đây là thỏa thuận sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, Bộ Công Thương có ý kiến “đơn vị cần báo cáo cấp cao hơn”, còn EVN thì cho biết “không đủ thẩm quyền để quyết định”, nên nhà đầu tư chưa biết thực hiện thế nào.
Trong khi đó, việc cam kết sản lượng điện phát và tiêu thụ khí hàng năm là rất quan trọng, là cơ sở để các ngân hàng xem xét tài trợ tín dụng cho dự án, cũng như dự án mua được nguồn LNG giá tốt thông qua hợp đồng mua LNG dài hạn để giá điện rẻ hơn.
Công tác thu xếp vốn cho dự án cũng gặp thách thức không nhỏ bởi đây là dự án điện độc lập nên phải tự thu xếp vốn mà không có bảo lãnh của Chính phủ như trước đây. Vì vậy, việc thu xếp vốn khó khăn hơn, chi phí vay cao hơn. Chưa kể việc thu xếp vốn phụ thuộc vào PPA nhưng công tác đàm phán PPA lại kéo dài, chưa biết lúc nào kết thúc.
Tại Dự án điện khí LNG Bạc Liêu đầu tư 100% vốn nước ngoài đã được cấp Chứng nhận đầu tư từ đầu năm 2020, tới nay là tháng 6/2023 cũng chưa biết bao giờ kết thúc đàm phán giá điện và PPA.
Nhà đầu tư của LNG Bạc Liêu cũng đề xuất nhiều cơ chế, chính sách cụ thể nằm ngoài các quy định hiện hành hoặc để triển khai dự án này. Tuy nhiên hồi tháng 3/2022, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo các bộ/ngành hướng dẫn UBND tỉnh Bạc Liêu và nhà đầu tư “thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và các chỉ đạo liên quan của lãnh đạo Chính phủ”.
Gốc rễ khiến các dự án điện khí LNG hiện đang trì trệ chính là giá bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo tính toán đang cao hơn giá bán lẻ điện bình quân mà EVN bán ra cho nền kinh tế.
Với thực trạng EVN hiện giờ đã lỗ chồng chất vài chục nghìn tỷ đồng mà không có phương án xử lý nên không cơ quan chức năng nào dám đồng ý cho EVN mua điện LNG giá cao để tiếp tục thua lỗ nặng.
Bởi vậy, khi không tháo gỡ được nút thắt lớn nhất là giá điện theo đúng nguyên tắc thị trường thì các dự án điện khí LNG sẽ còn ì ạch, không dễ vay vốn và khó hiện thực hoá thành nhà máy trên thực tế để đáp ứng những mục tiêu như đặt ra.