Lọc hóa dầu đang là đề tài nóng nhất của khu vực duyên hải miền Trung trong 2 năm trở lại đây. Thống kê sơ bộ từ Thanh Hóa tới Phú Yên hiện có 4 dự án đầu tư đã được Chính phủ đồng ý cấp phép đầu tư và nghiên cứu đầu tư. Việc này mở ra cơ hội rất lớn cho khu vực miền Trung bứt phá, không chỉ dựa vào lượng vốn đầu tư và hiệu quả kinh tế của các dự án này, mà còn tạo nên hiệu ứng thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển theo.
Hiện tại, ngoài Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đang được triển khai, khu vực này còn các dự án khác như Dự án mở rộng Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất (Quãng Ngãi), Dự án Lọc hóa dầu Vũng Rô (Phú Yên) đang trong giai đoạn tiền khởi công, Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Khu vực miền Trung hiện có 4 dự án lọc hóa dầu đã được cấp phép đầu tư hoặc đang nghiên cứu đầu tư. Ảnh: Đức Thanh |
Tính sơ bộ, khi các dự án lọc dầu này đi vào hoạt động trong vòng 5 - 7 năm tới, nhu cầu lao động để vận hành các nhà máy này là trên 100.000 lao động trực tiếp và gần 150.000 lao động gián tiếp.
Gần đây nhất, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, vốn đầu tư hơn 9,9 tỷ USD, đã liên tục tuyển dụng nhiều vị trí nhân lực có chất lượng cao để chuẩn bị cho việc vận hành nhà máy dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Theo đó, số lượng tuyển dụng gồm 168 vị trí kỹ sư vận hành, 22 vị trí kỹ sư bảo trì, 27 vị trí nhân viên phòng cháy chữa cháy, 20 nhân viên kế hoạch và kinh doanh, 16 vị trí cung ứng và giao nhận, cùng rất nhiều vị trí tuyển dụng khác.
Hiện tại, Khu kinh tế Nghi Sơn - nơi Dự án Lọc dầu Nghi Sơn đang triển khai - được ví như đại công trường, với hàng ngàn lao động đang làm việc cho các nhà thầu. Điều đáng nói là, riêng Thanh Hóa không đủ sức cung ứng đủ lực lượng lao động này, mà còn phải huy động từ các địa phương khác ở khu vực Bắc Trung Bộ.
Trong khi đó, tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), nơi có Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất - nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam đang hoạt động, đã thu hút một lượng lớn các kỹ sư, công nhân từ khắp cả nước về đây lao động. Bên cạnh đó, các dự án công nghiệp lớn đóng tại Khu kinh tế Dung Quất dự kiến cần trên 4.000 lao động trực tiếp.
Ông Phạm Như Sô, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, kiêm Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho biết, hiện nay, Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn đang xúc tiến các phần việc triển khai Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Dự án nâng từ công suất 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn/năm, tương đương 192.000 thùng dầu/ngày, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,82 tỷ USD.
Theo ông Sô, việc triển khai hợp đồng EPC dự kiến được thực hiện từ quý IV/2017 đến quý III/2021 và đưa Dự án vào vận hành trước năm 2022.
“Khu kinh tế Dung Quất đã chuẩn bị 4 khu đất với tổng diện tích 108,2 ha để bàn giao cho Ban quản lý Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trước quý I/2016. Cụ thể, diện tích xây dựng 94 ha, phần diện tích hành lang an toàn khoảng 14,2 ha thuộc địa bàn 2 xã Bình Trị và Bình Thuận (huyện Bình Sơn). Hiện nay, Ban quản lý đang triển khai xây dựng khu tái định cư rộng 25 ha ở xã Bình Trị , đáp ứng nhu cầu cho 340 hộ dân, với 1.247 nhân khẩu”, ông Sô cho biết.
Ông Sô cũng cho rằng, việc mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ giúp tăng thu ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội Quảng Ngãi phát triển, cũng như góp phần tạo việc làm cho người lao động địa phương. Tuy nhiên, việc đáp ứng nguồn nhân lực có tay nghề và trình độ cao sẽ là thách thức không nhỏ đối với dự án này.
“Để tạo ra một nguồn nhân lực tốt nhất đáp ứng yêu cầu phát triển của Khu kinh tế nói chung và cả nhà máy lọc dầu sau này, ngay từ bây giờ, cả địa phương lẫn nhà đầu tư phải có chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực”, ông Sô nhấn mạnh.
Trong khi đó, Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô (tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ USD, do Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, thuộc Khu công nghiệp Hòa Tâm - Khu kinh tế Nam Phú Yên) đã chính thức động thổ giai đoạn I vào tháng 9/2014. Dự án đang hoàn tất các thủ tục cần thiết liên quan đến mặt bằng còn lại để tiến hành khởi công xây dựng. Dự án có công suất 8 triệu tấn/năm.
Hiện tại, nhà đầu tư đã có những bước chuẩn bị tuyển dụng và đào tạo nhân sự cho các vị trí quan trọng và xây dựng kế hoạch gửi nhân sự đào tạo tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và các nhà máy lọc dầu ở nước ngoài. Theo tính toán của địa phương, khi dự án này đi vào hoạt động, nhu cầu lao động sẽ rất lớn, với khoảng 20.000 lao động trực tiếp và hơn 20.000 lao động gián tiếp.
Ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên trăn trở, đối với một dự án có quy mô như Lọc hóa dầu Vũng Rô, với vấn đề lao động phổ thông thì địa phương không lo, nhưng để có lực lượng lao động có hàm lượng chất xám cao thì bên cạnh việc chủ đầu tư chủ động thu hút, chính quyền địa phương cũng cần có những chính sách riêng để thu hút nhân tài người địa phương đang làm việc ở các trung tâm kinh tế lớn về với địa phương.
“Tỉnh Phú Yên đã và đang vận hành chính sách thu hút nhân tài về địa phương không chỉ đối với các nhà đầu tư, mà còn với cả bộ máy chính quyền. Điều này sẽ giúp bộ máy chính quyền vận hành tốt hơn, phù hợp hơn với điều kiện phát triển của thời đại mới”, ông Trúc nói.
Khu vực miền Trung cũng đang dậy sóng bởi siêu Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định). Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 22 tỷ USD, công suất 400.000 thùng/ngày, do Tập đoàn Dầu khí Thái Lan đăng ký nghiên cứu đầu tư. Mặc dù Dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư, nhưng ít nhiều cũng tạo nên một hiệu ứng rất mạnh về kinh tế - xã hội địa phương, trong đó có vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của dự án sau này.
Được biết, chủ đầu tư đã đặt vấn đề với Đại học Quy Nhơn trong việc liên kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho dự án này trong tương lai. Mặc dù thời điểm triển khai dự án này còn ở thời tương lai, nhưng với tình trạng khan hiếm lao động có tay nghề hiện nay của miền Trung trong lĩnh vực lọc hóa dầu, thì công tác xúc tiến tìm giải pháp đào tạo nguồn nhân lực ngay từ bây giờ không phải là thừa.