Doanh nghiệp
Các hãng điện thoại lớn từng chết vì bảo thủ
Hồng Thụy - 27/09/2013 10:30
Những vụ bán mình của các hãng điện thoại lừng danh thế giới đã diễn ra dồn dập trong hai năm qua. >>> >>> >>> Microsoft “ôm” trọn mảng di động của Nokia

Tháng 5/2012, Google hoàn tất thương vụ mua lại mảng ĐTDĐ của Motorola với giá 12,5 tỉ USD.

Đến tháng 8/2013, thông tin Microsoft mua lại mảng điện thoại của Nokia với giá 7,2 tỉ USD chính thức được công bố. Và thông tin mới nhất, BlackBerry cũng bán mình cho một cổ đông trong hãng với giá 4,7 tỉ USD.

Những vụ bán mình đó chính là những cái chết. Có cái chết do thụ động, tụt hậu, bất lực rồi lịm dần, song nói đúng nhất là do yếu kém.

Nhưng cũng có những cái chết, do yếu kém đã đành, song nguyên nhân lớn nhất là vì bảo thủ.

Motorola một thời lừng lững số 1 thế giới. Năm 1998, hãng này bị ông trùm Symbian là Nokia truất ngôi vì sự bất lực. Điểm kết thúc của Motorola là năm 2012, sau đúng 14 năm bị phế truất, và cũng là năm Nokia bị Samsung hất khỏi ngôi vị số 1 sau 14 năm ngự trị.

Khi Motorola chết hẳn, Nokia chết lâm sàng. Còn khi Nokia đã chết hẳn phải bán mình cho Microsoft, thì đến lượt BlackBerry lại chết lâm sàng. Hai cái chết sau không giống cái chết đầu. Bởi Nokia và BlackBerry thừa biết rằng, trào lưu ĐTDĐ iOS và Android đang trỗi dậy mạnh mẽ từ năm 2009 tới nay nhưng họ vẫn ôm hào quang cũ để sống cùng với những nền tảng không còn tươi mới và thiếu sức hấp dẫn.

Dùng BlackBerry từng được ngợi ca là sành điệu, có phong cách, bảo mật tốt, thế nhưng giá máy luôn trên trời, và không hề dễ sử dụng. Còn Symbian của Nokia, dù đã gắng gượng đẻ ra các dòng điện thoại E, N nhưng cũng chỉ là những chiếc smartphone nửa mùa chứ không thật sự thông minh.

Vì sự bảo thủ mà cắt đứt sự giao hảo với Android đã đành, Nokia còn mang trong mình bệnh sĩ nặng. Cả hai có một điểm chung là nghĩ hẹp và ru mình với những điều xưa cũ.

Trên thực tế, không chỉ có Nokia hay BlackBerry chết vì bảo thủ, mà ngay Apple cũng đang trượt trên vết mòn này. iOS vẫn đang lừng lững, nhưng đừng chủ quan bởi khi thời đã xuống thì xuống rất nhanh, như hai gã khổng lồ Nokia vậy thôi.

Dù Apple đang có khoản tiền mặt lên đến cả trăm tỉ USD, và hàng vẫn đang bán khá tốt, nhưng họ cũng đang bị trượt.

Cụ thể, theo IDC, trong quý II.2013 Apple đã xuất xưởng 31,2 triệu điện thoại, nhưng thị phần lại giảm xuống còn 13,1% từ mức 16,6% của quý II.2012 và mức 17,3% của quý I.2013.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của Strategy Analytics, quý II.2013 Apple xuất xưởng 31,2 triệu iPhone, đạt tăng trưởng 20% nhưng thị phần giảm xuống chỉ còn 14%, mức thấp nhất kể từ quý II.2010.

Thị phần Apple hay iOS đang mất dần vào tay Android nói chung và Samsung nói riêng. Apple vẫn ôm quan điểm mỗi năm một phiên bản iPhone và iPad, số mẫu sản phẩm ít ỏi không đáp ứng được sự mong đợi. Ngay cả iPhone 5C, được gọi là giá rẻ nhưng thực sự có rẻ đâu, giá cũng từ 10 triệu đồng trở lên. Sự bảo thủ của Apple về phân khúc giá, kích cỡ màn hình, số lượng mẫu mã v.v… có thể sẽ trở thành nấm mồ chôn chính Apple.

Tin liên quan
Tin khác