Sau Nokia, đến lượt một “tượng đài” khác trong làng di động thế giới phải “bán mình” với giá rẻ mạt. Theo đó, hãng đầu tư tài chính có trụ sở tại Toronto (Canada) Fairfax Financial Holdings đã chấp nhận mua lại BlackBerry với giá 4,7 tỷ USD.
>> Microsoft “ôm” trọn mảng di động của Nokia
>>CEO Nokia kiếm 25 triệu USD nhờ bị ...Microsoft thâu tóm
Thông tin trên được cả Fairfax Financial Holdings lẫn BlackBerry chính thức công bố vào ngày hôm qua. Hãng tài chính Fairfax Financial Holdings đã đồng ý trả 9USD/cổ phiếu cho các cổ đông để nắm quyền kiểm soát công ty điện thoại này. Mức giá mà Fairfax Financial Holdings đưa ra cao hơn 9% so với giá trị cổ phiếu đang giao dịch của BlackBerry tại thời điểm đưa ra thỏa thuận. Với mức giá này, Fairfax sẽ phải bỏ ra 4,7 tỷ USD để sở hữu BlackBerry, một con số được xem là quá rẻ mạt cho một “tượng đài” như BlackBerry.
Sau Nokia, thêm một tượng đài của làng di động chìm sâu vào khủng hoảng Tuy nhiên, thương vụ này chưa thực sự hoàn tất. Theo điều khoản thỏa thuận, Fairfax có thể từ bỏ thỏa thuận này bất kỳ lúc nào nếu nhận ra thỏa thuận không mang lại lợi ích cho công ty. Và nếu Fairfax từ bỏ thương vụ trước ngày 4/11 sẽ chỉ phải trả cho BlackBerry số tiền 150 triệu USD phá bỏ hợp đồng. Trước đó, Fairfax là một trong những cổ đông lớn nhất tại BlackBerry, nắm giữ 10% cổ phần tại công ty. Sau khi thỏa thuận được thông báo, giá trị cổ phiếu của BlackBerry đã tăng thêm 1,1%, lên mức 8,82USD/cổ phiếu. Thông tin về việc thâu tóm BlackBerry được đưa ra chỉ ít ngày sau khi hãng điện thoại Canada cho biết sẽ cắt giảm 4.500 nhân viên làm việc tại hãng, tương đương 35% tổng nhân sự, để cắt giảm chi phí hoạt động của công ty. Đồng thời BlackBerry cũng dự báo về khoản lỗ lên đến gần 1 tỷ USD của công ty trong quý II/2013 vừa qua. Đây được xem là một sự sụp đổ đáng tiếc của một tượng đài công nghệ lớn. Vào giữa năm 2007, BlackBerry được định giá hơn 100 tỷ USD, tuy nhiên giờ đây, mức giá của BlackBerry chỉ còn 4,7 tỷ USD, một sự sụt giảm khó tưởng tượng được. Như vậy, BlackBerry đã chọn con đường đi của Nokia để chấp nhận “bán mình” nhằm cứu vãn tương lai của công ty. Trước đó Nokia cũng đã chấp nhận thỏa thuận để Microsoft mua lại bộ phận sản xuất di động và dịch vụ của mình với giá 7,2 tỷ USD.