Logo ngân hàng UBS ở thành phố Basel, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 3/8, Cơ quan giám sát ngân hàng châu Âu (EBA) cho biết họ sẽ bắt đầu kiểm tra thanh khoản đối với các ngân hàng vào năm tới để xem liệu cơ quan chức năng của các quốc gia thành viên EU có kiểm tra giả định mà các ngân hàng đưa ra về việc tìm kiếm thanh khoản sau một sụp đổ hay không, nhất là về "tốc độ rút tiền gửi có thể xảy ra, một yếu tố quan trọng đã xuất hiện trong khủng hoảng ngân hàng vừa qua ở Mỹ và Thụy Sĩ".
Yêu cầu về thanh khoản được thắt chặt hơn sau khi Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ can thiệp bằng hỗ trợ thanh khoản cho Credit Suisse vào tháng 3/2023, trước khi ngân hàng này rơi vào tay đối thủ UBS.
Thanh khoản bốc hơi nhanh chóng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ bất ngờ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (Silicon Valley Bank) ở Mỹ. Sự sụp đổ này đã khiến các cơ quan quản lý ngân hàng trên toàn cầu phải xem xét lại các yêu cầu thanh khoản đối với ngân hàng theo từng ngày.
Thanh khoản được đề cập có liên quan đến lượng tiền mặt sẵn có hoặc nợ ngắn hạn mà bên mua nợ sẵn sàng tài trợ cho hoạt động hàng ngày của ngân hàng mà không phải bán tài sản.
Cơ quan giám sát ngân hàng châu Âu đã đưa ra những nhận định trong báo cáo đầu tiên sau khi xem xét cách mà các cơ quan chức năng ở 27 quốc gia EU áp dụng các quy tắc "giải quyết" sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm, nhằm tránh phải cứu trợ các ngân hàng.
"Giải quyết" ở đây có thể hiểu là đóng cửa ngân hàng một cách suôn sẻ và chuyển giao các mảng miếng chính như tiền gửi cho bên cho vay có khả năng thanh toán hoặc thúc đẩy quá trình phục hồi bằng cách tái cấu trúc để ngân hàng đó có thể khai thác thị trường hoặc các nguồn thanh khoản khác để duy trì hoạt động kinh doanh.
"Các chiến lược và hành động do các ngân hàng đề xuất để hỗ trợ thanh khoản trong quá trình giải quyết vẫn còn hạn chế và chủ yếu tập trung vào việc tiếp cận các hỗ trợ của ngân hàng trung ương", Cơ quan giám sát ngân hàng châu Âu nêu trong báo cáo.
Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, việc khai thác thị trường tư nhân để tạo thanh khoản có thể khó khăn đối với một ngân hàng gặp căng thẳng và sắp giải quyết vấn đề, thậm chí việc có được hỗ trợ thanh khoản từ ngân hàng trung ương có thể gặp khó khăn nếu không có đủ tài sản thế chấp. Và các lựa chọn thanh khoản khác có thể bao gồm xử lý tài sản, phát hành nợ hoặc rút các hạn mức tín dụng được đảm bảo.