Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga tại Moscow. Ảnh: AFP |
Xuất nhập khẩu sẽ bị đứt mạch
Mỹ cùng các đồng minh phương Tây cuối tuần qua đã tuyên bố họ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Nga và loại bỏ một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.
Trong một tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo của Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Italia, Anh, Canada, và Mỹ cho biết họ sẽ thực hiện các biện pháp kinh tế để "buộc Nga phải chịu trách nhiệm và cùng đảm bảo rằng cuộc tấn công (tấn công Ukraine - BTV) là một thất bại chiến lược đối với ông Putin".
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đánh giá việc loại các ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT sẽ cản trở các ngân hàng này thực hiện hầu hết các giao dịch tài chính trên toàn thế giới và ngăn chặn hiệu quả xuất nhập khẩu của Nga. Còn Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire gọi việc loại Nga khỏi SWIFT là "vũ khí hạt nhân tài chính".
SWIFT là viết tắt của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu. Được thành lập vào năm 1973, SWIFT là một tổ chức độc lập có trụ sở tại Bỉ, hoạt động như một hệ thống thông tin nội bộ giữa hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Là một hệ thống liên lạc cho phép các ngân hàng tham gia chuyển tiền cho nhau, SWIFT sử dụng các mã an toàn, được tiêu chuẩn hóa cho phép các tổ chức gửi và nhận thông tin, chẳng hạn như hướng dẫn chuyển tiền qua biên giới.
Bị loại khỏi SWIFT, các ngân hàng Nga sẽ không còn có thể thanh toán cho các hoạt động thương mại và tài chính, việc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Nga như dầu, than và khí đốt tự nhiên cũng bị cản trở. Động thời, động thái này cũng sẽ cản đường Nga nhập khẩu các công nghệ quan trọng như chất bán dẫn và máy móc cho các ngành công nghiệp của mình.
Các tổ chức tài chính của Nga xử lý khoảng 46 tỷ USD giao dịch ngoại hối mỗi ngày, 80% trong số này được giao dịch bằng USD. SWIFT xử lý 42 triệu lượt kiều hối mỗi ngày, trong đó các tổ chức tài chính Nga chiếm 1,5% tính đến năm 2020.
Cuối tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo rằng, khách hàng của một số ngân hàng Nga trong diện chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ không thể sử dụng thẻ của họ ở nước ngoài hoặc sử dụng các hệ thống thanh toán di động của Apple và Google.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng của các ngân hàng Nga bị trừng phạt mà phía Nga liệt kê gồm: VTB, Sovcombank, Novikombank, Promsvyazbank, và Otkritie Bank sẽ tiếp tục hoạt động ở Nga mà không bị hạn chế.
Cơ quan này lưu ý: "Các thẻ mà các ngân hàng này phát hành sẽ không thể sử dụng các dịch vụ ApplePay và GooglePay, nhưng các giao dịch tiêu chuẩn hoặc thanh toán không tiếp xúc với các thẻ này vẫn được thực hiện trên toàn nước Nga".
Theo hãng tin Reuters, Ngân hàng Trung ương Nga đã không đề cập đến Sberbank trong danh sách các ngân hàng bị phương Tây trừng phạt. Đến cuối ngày 24/2, Sberbank cho biết họ đang hoạt động bình thường và đang nghiên cứu tác động của các lệnh trừng phạt.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ hôm 24/2 đã lệnh cho các ngân hàng Mỹ phải cắt đứt quan hệ ngân hàng đại lý của họ với Sberbank trong vòng 30 ngày, trong khi Anh cho biết họ sẽ áp đặt phong tỏa tài sản đối với tất cả các ngân hàng lớn của Nga. Sberbank hiện phục vụ gần 102 triệu khách hàng ở Nga và có mặt tại 17 quốc gia khác. Tính đến đầu năm 2022, Nga có 370 ngân hàng.
Trong nỗ lực giải quyết tác động của các lệnh trừng phạt, Ngân hàng Trung ương Nga đã công bố các biện pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và bảo vệ đồng rúp để đảm bảo ổn định tài chính. Cơ quan này cũng nới lỏng các yêu cầu quy định đối với ngành ngân hàng và yêu cầu các ngân hàng xem xét hoãn trả cổ tức và tiền thưởng cho các nhà quản lý.
Một số ngân hàng Nga trong diện bị phương Tây trừng phạt đã tìm cách xoa dịu nỗi lo sợ của khách hàng bằng cam kết rằng, các khoản tiền của khách hàng vẫn an toàn. "Ngành ngân hàng đã chuẩn bị cho các tình huống khác nhau: chúng tôi có đủ thanh khoản để đáp ứng nhu cầu và không có giới hạn nào đối với việc rút tiền mặt tại các máy ATM hoặc chi nhánh", Sberbank, VTB, Alfa-Bank và Otkritie nhấn mạnh trong một tuyên bố chung vào cuối tuần trước.
Sberbank, VTB, Alfa-Bank và Otkritie khẳng định: "Điều rất quan trọng đối với chúng tôi là hàng triệu gia đình Nga, bất kể ngân hàng nào phục vụ để họ luôn cảm thấy tin tưởng vào tương lai ngày hôm nay và luôn luôn biết rằng, tiền của họ được an toàn".
Riêng Tổ chức cho vay tư nhân Alfa-Bank cho biết các biện pháp trừng phạt chỉ cấm họ phát hành cổ phiếu, điều mà họ không có kế hoạch thực hiện. Trong khi đó, Alfa-Bank cho biết họ đang tiếp tục thực hiện các giao dịch xuyên biên giới thông qua hệ thống thanh toán SWIFT.
Liệu có cùng đường?
Loại Nga ra khỏi SWIFT giống như con dao hai lưỡi. Động thái này sẽ "gậy ông đập lưng ông", làm gián đoạn dòng chảy dầu và khí đốt mà các nước nhập từ Nga. Trong số này, EU đang phụ thuộc 40% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga.
Mặt khác, các ngân hàng châu Âu hiện là một trong những chủ nợ lớn nhất của Nga, chiếm phần lớn trong số 121 tỷ USD mà Nga nợ các ngân hàng nước ngoài, theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). Việc loại Nga khỏi SWIFT sẽ đặt ra câu hỏi rằng, Moscow sẽ trả nợ nước ngoài như thế nào.
Chưa hết, phương Tây đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt, bao gồm cả việc đóng băng tài sản và cấm giao dịch với các ngân hàng do nhà nước Nga sở hữu.
Tuy nhiên, hiệu quả mà những biện pháp trừng phạt trên mang lại vẫn chưa rõ rệt. Chúng dường như không phát huy nhiều tác dụng trong việc ngăn chặn Nga leo thang các cuộc tấn công vào Ukraine.
Trong quá khứ, Nga từng bị trừng phạt kinh tế kể từ khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, nhưng điều đó đã không ngăn được Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành cuộc tấn công Ukraine.
Giới phân tích cho rằng, một khả năng mở ra là Nga có thể quay sang Trung Quốc để trao đổi thương mại, bỏ qua hoàn toàn mạng lưới giao dịch dựa trên đô la Mỹ.
Tuy nhiên, về khả năng Trung Quốc sẽ hỗ trợ tài chính cho Nga trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh châu Âu cùng áp lệnh trừng phạt, một quan chức cấp cao cấp giấu tên của chính quyền Mỹ nhận định: "Trung Quốc sẽ không đến giải cứu".
Vị này lý giải, Trung Quốc đang hạn chế một số ngân hàng của họ cấp tín dụng để tạo điều kiện mua các mặt hàng năng lượng từ Nga. "Điều này cho thấy, giống như những gì xảy ra trong nhiều năm qua, Trung Quốc có xu hướng tôn trọng các lệnh trừng phạt của Mỹ".