Nhà kinh tế Larry Summers, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ |
Nhà kinh tế Larry Summers (từng là Chủ tịch Trường đại học Harvard, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia, kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ), cho biết, một tuần qua có quá nhiều điều chẳng dễ chịu chút nào liên quan đến những diễn biến địa chính trị và các cuộc xung đột.
Hôm thứ Sáu (23/3), Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc có thể đánh thuế đối với 128 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, với giá trị nhập khẩu 3 tỷ USD, để trả đũa việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh đánh thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu.
Ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump đã công bố kế hoạch thuế quan trị giá tới 60 tỷ USD đánh vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Tôi cho rằng, đó là diễn biễn cực kỳ đáng tiếc”, ông Summers nói.
Trong khi đó, các nhà kinh tế giành giải thưởng Nobel là Robert Shiller và Joseph Stiglitz dự báo, tổn thất nặng nề đối với nền kinh tế Mỹ còn ở phía trước nếu như Bắc Kinh và Washington tiếp tục có hành động trả đũa nhau.
Ông Shiller cảnh báo, các công ty Mỹ chưa sẵn sàng cho việc bị Trung Quốc cắt dây chuyền cung cấp hoặc mô hình kinh doanh.
“Hậu quả tức thì sẽ là một cuộc khủng hoảng kinh tế, vì các doanh nghiệp này xây dựng kế hoạch hoạt động dài hạn, họ đã phát triển cả đội ngũ lao động có tay nghề và những kỹ năng làm việc cần thiết. Việc này sẽ dẫn đến xáo trộn, kìm hãm sự phát triển”, ông Shiller nhận định.
Về phần mình, ông Stiglitz cảnh báo rằng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đánh thuế đối với những hàng hóa Mỹ sao cho tối đa hóa thiệt hại.
Theo ông Stiglitz, một cuộc chiến thương mại leo thang có thể chia rẽ và làm lung lay vị trí chính trị của Tổng thống Donald Trump.
“Nếu thuế quan tăng trên diện rộng, nó sẽ ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của người dân, làm lạm phát tăng lên, dẫn đến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất lên mức cao hơn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Mỹ”, ông Stiglitz nói.
Trong khi đó, giới doanh nhân tham dự Diễn đàn cũng lo ngại về sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Ông Alex Gorsky, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Johnson & Johnson's nhấn mạnh rằng, thương mại mở cửa là chính sách tốt nhất đem lại thành công cho doanh nghiệp.
“Tôi nghĩ rằng, trước hết, thương mại công bằng, hợp lý trên thế giới là lợi ích tốt nhất của tất cả mọi người, của mọi công ty và mọi quốc gia”, ông Alex Gorsky nói.
Chia sẻ vấn đề này, ông Jean-Sébastien Jacques, Giám đốc điều hành của Rio Tinto lạc quan dự báo, “ý thức chung giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ thắng thế”.