Cổ phiếu HAG và HNG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai và CTCP Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai trở thành điểm sáng bất ngờ trong phiên hôm nay cả về giá cổ phiếu và khối lượng cổ phiếu khớp lệnh. Tổng cộng đã có 24,3 triệu cổ phiếu HAG và 10,11 triệu cổ phiếu HNG, mức cao kỷ lục từ cuối năm 2018.
Đóng cửa phiên 7/9, cặp đôi cổ phiếu của bầu Đức đã tăng lần lượt 5,75% và 4,56%. Còn trong phiên, đa phần cổ phiếu được sang tay với mức giá kịch trần. Giá trị tài sản chứng khoán của bầu Đức tăng thêm 82,4 tỷ đồng sau riêng phiên giao dịch hôm nay.
Cuối tuần vừa qua, cổ phiếu HNG đã được chuyển từ diện chứng khoán bị kiểm soát sang diện cảnh báo nhờ lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2020 không còn là con số âm. Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai lãi ròng 11,1 tỷ đồng trong khi 6 tháng đầu năm 2019 lỗ tới 744 tỷ đồng. Nguyên nhân bởi doanh thu hoạt động kinh doanh chính tăng 49% chủ yếu nhờ tăng trưởng nguồn thu từ bán trái cây, cùng chi phí lãi vay và bán hàng giảm khá.
Không chỉ cổ phiếu của Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai và Hoàng Anh Gia Lai, đơn vị đang sở hữu gần 41% số cổ phần HNG đang lưu hành, nhóm cổ phiếu nông nghiệp nằm trong số ít các cổ phiếu giữ được sắc xanh bất chấp thị trường đảo chiều. Cổ phiếu của Tập đoàn Lộc trời (LTG), Giống cây trồng miền Nam (SSC), Giống cây trồng Việt Nam tăng lần lượt 6,2%; 4,92% và 1,18%.
VN-Index và HNX-Index đều đồng loạt giảm sâu do áp lực bán phiên chiều |
Ngoài ra, tân binh Becamex (BCM) cũng tiếp tục chuỗi tăng trần 5 phiên liên tiếp kể từ khi chuyển sàn. Cổ phiếu VNM của Vinamilk cũng đóng cửa tăng 1.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, hai nhân tố chính kéo chỉ số tăng này hoàn toàn lép vế so với xu hướng giảm của một loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn khác. Cổ phiếu của ba ngân hàng có vốn nhà nước gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank cùng Vingroup và PV Gas là 5 nhân tố chính kéo VN-Index sụt giảm mạnh trong phiên hôm nay.
VN-Index đóng cửa giảm hơn 13 điểm, còn 888,25 điểm dù mở cửa với mức tăng nhẹ và duy trì sắc xanh trong phiên sáng. HNX-Index cũng không khá hơn, giảm 0,72 điểm và đóng cửa ở mức 125,43. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường lại ghi nhận tín hiệu tích cực nhờ lực cầu tham gia bắt đáy khi giá giảm. Giá trị giao dịch tăng 12,7% đạt 7.588 tỷ đồng. Thanh khoản cải thiện nhẹ với tổng giá trị giao dịch đạt 683 tỷ đồng.
Khối ngoại cũng có dấu hiệu tích cực khi đã mua ròng nhẹ trên cả 2 sàn. Giá trị mua ròng của khối ngoại là 53,38 tỷ đồng trên sàn HOSE và 1,54 tỷ đồng trên sàn HNX. Trong đó, chứng chỉ quỹ ETF VFMVN Diamond được các nhà đầu tư mua 7,5 triệu chứng chỉ quỹ và không bán ra bất kỳ chứng khoán nào, giá trị mua ròng đạt 96 tỷ đồng.
Quỹ đầu tư CTBC Vietnam Equity Fund, là quỹ đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam của CTBC Investments (Đài Loan) với tổng nguồn vốn huy động trong đợt đầu là 160 triệu USD (4.000 tỷ VND) đã đăng ký mua tới 21 triệu chứng chỉ quỹ này. Dòng vốn ETF được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì tích cực trong thời gian tới.