Nhiều giải pháp đảm bảo đủ nước ngọt cho người dân vùng hạn mặn
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, xâm nhập mặn sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường… Do đó các địa phương ĐBSCL cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo và chủ động biện pháp chủ động phòng, chống.
Ở thời điểm này, các đơn vị cấp nước sinh hoạt trong tỉnh Bến Tre cũng đã chủ động thực hiện đo, kiểm tra độ mặn và có kế hoạch bơm lấy nước phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn, cung cấp số liệu đo mặn cho các địa phương và người dân biết để có kế hoạch trữ, sử dụng nước ngọt hợp lý; xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống RO tại các nhà máy nước; vận hành linh hoạt các phương án cấp nước như: đắp đập tạm ngăn mặn tại các khu vực lấy nước, chuyển nước từ các nhà máy nước có nước ngọt, độ mặn thấp đến mạng lưới cấp nước của nhà máy nước nơi có độ mặn cao, vận chuyển nước bằng sà lan, cấp nước ngọt... theo khung giờ.
Ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết: Hiện nay, việc khó khăn lớn nhất của địa phương đó là nhu cầu về đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh là rất lớn nhưng nguồn kinh phí phân bổ còn hạn chế. Trong khi đó, hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre đầu tư còn đang dang dở và Dự án quản lý nước (JICA3) đang trong giai đoạn triển khai… Do đó, tỉnh Bến Tre chưa thể chủ động kiểm soát hoàn toàn được nguồn nước ngọt trong tình huống xâm nhập mặn diễn biến gay gắt. Đáng mừng hiện toàn tỉnh đã có gần 99% số hộ dân có đủ điều kiện, dụng cụ trữ nước mưa, nước ngọt.
Để ứng phó với hạn, mặn, trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre tập trung bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân. Hiện tại toàn tỉnh có 67 nhà máy cấp nước với 40 nhà máy nước bị ảnh hưởng hạn mặn với 12 nghìn hộ. Vì vậy, cần nhanh chóng thực hiện dự án cấp nước sinh hoạt trên địa bàn. Khi dự án này hoàn thành sẽ cung cấp cho khoảng 13 nghìn hộ dân, cơ bản giải quyết vấn đề cấp nước ngọt cho người dân. Đối với các công trình ngăn mặn cần sớm thi công, hoàn thành như dự án JICA 3, vàm Thom, vàm Nước Trong… để đến năm 2026-2027 địa phương cơ bản giải quyết tình hình hạn mặn.
Tại Kiên Giang, ngày 2/4 vừa qua, Cống Cái Lớn đã đóng hoàn toàn 11 cửa van để kiểm soát mặn. Hiện nồng độ mặn 1‰ đã theo sông Cái Lớn xâm nhập sâu vào nội đồng nên cống Cái Lớn (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) đã đóng hoàn toàn góp phần kiểm soát mặn, bảo vệ mùa màng của người dân địa phương. Riêng Cống Cái Bé không đóng vì có trạm Trâm Bầu kiểm soát.
Cà Mau là tỉnh duy nhất ở vùng ĐBSCL không có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Mê Kông. Tình trạng nắng hạn kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, giao thương hàng hóa của người dân trong vùng. Mức độ gay gắt và kéo dài của tình hình hạn hán đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân, nhất là vấn đề thiếu nước sinh hoạt. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 3.742 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt.
Hiện lượng nước ngọt trên các kênh rạch trở nên khan hiếm, lượng mưa không đáng kể, một số khu vực xa hoặc không có nguồn tiếp nước ngọt như: cuối kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, ven biển Bạc Liêu - Cà Mau, Nam Cà Mau, U Minh… làm cho nhiều diện tích rau màu, cây công nghiệp và lúa Đông Xuân ảnh hưởng nghiêm trọng. Nước sinh hoạt cho người dân vùng nuôi thủy sản cũng luôn bị thiếu hụt. Đầu mùa mưa thường xảy ra hạn "Bà Chằn", gây thiệt hại cho hàng nghìn ha lúa Hè Thu mới gieo sạ, đặc biệt là các khu vực đất thấp, nhiễm phèn ven kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp do hệ thống công trình thủy lợi vùng Bán đảo Cà Mau và vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp chưa hoàn thiện.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, hằng năm, tỉnh đầu tư kinh phí hàng chục tỷ đồng để xây dựng hệ thống kênh, rạch, các tuyến đê để khép vùng giữ ngọt nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Nguyên nhân là do phần lớn diện tích sản xuất lúa hiện nay lệ thuộc nhiều vào diễn biến thời tiết, hệ thống thủy lợi chưa được khép kín để chủ động trong việc điều tiết, trữ và kiểm soát nguồn nước.
Do vậy, để ứng phó tình hình hiện nay, Cà Mau đã áp dụng là xây dựng các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, tăng cường lưu trữ nước mặt, sử dụng các công nghệ tưới tiêu hiệu quả, sử dụng cây trồng có khả năng chịu hạn tốt. Trong đó, mô hình trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt đang được sử dụng, phổ biến ở các vùng ven biển, những nơi có nguồn nước mặt, nước dưới đất bị nhiễm mặn, phèn, chưa có hệ thống cấp nước tập trung.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng vừa công bố quyết định tình huống khẩn cấp về hạn mặn, thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Tân Phú Đông vào đầu tháng 4/2024, chỉ đạo phải thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông để người dân, các tổ chức biết và chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp trong sản xuất, sinh hoạt.
Theo ghi nhận, những ngày qua, nguồn nước tại các kinh, rạch nội đồng của các huyện phía Đông đã cạn kiệt. Nắng nóng đang trong giai đoạn cao điểm dẫn đến nhu cầu nước sinh hoạt của người dân tăng rất cao. Nguồn nước thô tại chỗ để sản xuất nước sinh hoạt cạn kiệt dẫn đến một số khu vực cuối nguồn Ngọt hóa Gò Công thiếu nước. Hiện công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đang thực hiện điều tiết cấp nước theo ngày, theo khu vực để đáp ứng nhu cầu dùng nước cho người dân và phối hợp với UBND các huyện, thị xã phía Đông của tỉnh mở vòi nước công cộng tại các khu vực khó khăn, thiếu nước để người dân đến lấy miễn phí, phục vụ nước sinh hoạt cho người dân.
Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã mở 101 vòi nước công cộng, tổng lượng nước đã cấp đến nay là 6.344 m3, số lượng vòi nước công cộng sẽ tiếp tục thay đổi trong thời gian tới.
Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã trang bị, vận chuyển 63 bồn chứa nước để cấp nước miễn phí cho người dân ở một số khu vực thiếu nước ở cuối nguồn đặt tại 40 điểm có nhu cầu lấy nước và để lên xe vận chuyển nước đến nơi cấp nước miễn phí cho người dân các khu vực cuối nguồn bị thiếu nước.
Tỉnh Tiền Giang vừa kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng cống Trà Tân, Ba Rài để khép kín vùng Dự án Bảo Định mở rộng nhằm bảo vệ khoảng 130.000 ha đất sản xuất nông nghiệp cho 2 tỉnh Tiền Giang và Long An; trong đó có 70.000 ha diện tích vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao của tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh để nâng cấp, mở rộng ao chứa nước.
ĐBSCL cần có các giải pháp thích nghi và chung sống lâu dài với xâm nhập mặn
Tại buổi làm việc trực tiếp với tỉnh Tiền Giang và trực tuyến với các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau về công tác phòng, chống hạn, mặn ngày 7/4/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn và sụp lún là câu chuyện chung của ĐBSCL. Chúng ta đã thật sự thích nghi và chung sống với xâm nhập mặn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo các tỉnh ven biển ĐBSCL ứng phó với hạn mặn |
Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng khốc liệt, khó khăn hơn. Tiền Giang và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về hạ tầng thủy lợi, phi công trình cho thấy, các tỉnh đã kiểm soát được tình hình hạn, mặn.
Đặc biệt với sự chủ động cung cấp đầy đủ thông tin chính xác và sự điều hành sản xuất của vùng, so với các đợt hạn, mặn trước đây, mùa khô năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các địa phương hầu hết không ảnh hưởng. Thiếu nước sinh hoạt có xảy ra, nhưng mang tính cục bộ tại các địa phương. Về cơ bản, người dân vẫn được cung cấp nước tập trung từ nhà nước hoặc hình thức công tư. Các địa phương hết sức trách nhiệm trong cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Cụ thể, như Tiền Giang, dựa trên những dự báo của cơ quan chuyên môn, đối với những nơi có khả năng thiếu nước đã được tỉnh chủ động.
Đến nay, nắng nóng, khô hạn và xâm nhập mặn năm nay chưa gay gắt bằng thời điểm năm 2019 - 2020, nhưng gay gắt hơn nhiều năm. Tuy nhiên, các địa phương đã có những kế hoạch, công trình, đặc biệt là công tác chỉ đạo điều hành, phát huy tại chỗ, cung cấp nước tập trung, cung cấp thông tin và sự tham gia, nhận thức của người dân trong dự trữ nước…
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận nỗ lực của các địa phương trong phòng, chống hạn, mặn và cho rằng, kinh nghiệm trong ứng phó hạn, mặn của các địa phương cần có tầm nhìn đối với đồng bằng và đặt trong bối cảnh tình hình sẽ cực đoan hơn do thiếu lượng nước ngọt từ thượng nguồn. Do đó, chúng ta phải chủ động chung sống với hạn, mặn và có những giải pháp căn cơ, đồng bộ trên toàn vùng cũng như địa phương.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (bìa trái) và lãnh đạo Bộ NN&PTNT, tỉnh Tiền Giang khảo sát các công trình thủy lợi tại vùng ven biển Tiền Giang |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thống nhất đầu tư hệ thống hạ tầng thủy lợi theo phân bổ dựa trên tính chất của nguồn nước. Về lâu dài, các địa phương phải tính toán kết nối các nhà máy cung cấp nước để đưa nước sạch về cho người dân.
Đồng thời, đối với các vùng dân cư thưa, địa bàn khó khăn, cần xem xét bố trí lại dân cư, kể cả khu vực sạt lở. Dân cư có tập trung mới bố trí được hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm, nước… Vùng duyên hải, ven biển phải xem xét lại cơ cấu kinh tế, nông nghiệp, thủy sản, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng và ứng dụng công nghệ thích ứng.
Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải tính toán có những trạm cấp nước mà khu vực lấy nước nằm sâu trong vùng nước ngọt; đầu tư hệ thống đảm bảo công suất và duy trì lâu dài và yêu cầu các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu ứng dụng các vật liệu để sản xuất các bình chứa nước ngầm, trên mái nhà nhẹ và tiện lợi; nghiên cứu và phổ biến mô hình này…
Trước những tác động bất lợi và khó lường của hạn mặn, biến đổi khí hậu của mùa khô năm nay, theo khuyến cáo của các chuyên gia về nông nghiệp và thủy lợi, trước mắt ĐBSCL cần tập trung theo dõi, dự báo để có giải pháp phối hợp ứng phó với hạn, mặn; đồng thời các tỉnh thành cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, phát triển kinh tế và an sinh xã hội trong toàn khu vực.
Trong dài hạn, tình hình hạn hán, mặn xâm nhập, thiếu nước còn có thể sẽ trở nên gay gắt hơn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu và các đập thủy điện ở thượng nguồn. Chính vì thế, ĐBSCL ngoài chuyển đổi sản xuất để thích ứng với hạn, mặn, còn phải có giải pháp công trình dài hơi chủ động, ưu tiên tích trữ, dẫn nước ngọt phục vụ sinh hoạt người dân…