Người mua hàng ở Anh tuân thủ quy định "kéo giãn xã hội". Ảnh: AFP |
Dự báo này được dựa trên mô hình toán học do các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London phát triển và công bố cuối tuần trước.
Tại Việt Nam, “social distancing” được hiểu với nghĩa “cách ly xã hội”. Theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Việt Nam thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; thôn bản cách ly với thôn bản; xã cách ly với xã; huyện cách ly với huyện; tỉnh cách ly với tỉnh; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Tờ South China Morning Post dẫn dự báo của các nhà nghiên cứu Đại học Hoàng gia London cho biết, nếu các biện pháp cách ly xã hội không được thực hiện đồng bộ, dịch Covid-19 có thể cướp đi sinh mạng của 40 triệu người trên thế giới, nhưng con số tử vong có thể giảm một nửa còn 20 triệu người nếu người dân hạn chế 40% các cuộc gặp gỡ bên ngoài xã hội và người già hạn chế 60% cuộc tiếp xúc.
Các nhà nghiên cứu Đại học Hoàng gia London cho rằng, càng áp dụng các biện pháp cách ly mạnh mẽ, càng giảm được số người tử vong do dịch Covid-19, đồng thời cảnh báo “các chính phủ” sẽ phải đối mặt với “những quyết định đầy thách thức” trong những tuần tới hay vài tháng tới, nhất là khả năng các chính phủ có thể chi trả cho các biện pháp này trong bao lâu.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu Đại học Hoàng gia London, nếu cách ly xã hội càng rộng, càng sớm và được duy trì, thì tỉ lệ các cuộc tiếp xúc cá nhân có thể giảm 75%, nhờ đó có thể cứu sống được 38,7 triệu người trước nguy cơ dịch bệnh. Dự báo này đã tính đến nhiều kịch bản, ngay cả khi thế giới không hành động để khống chế dịch Covid-19.
Khi dự báo tác động y tế của đại dịch Covid-19 ở 202 quốc gia, các nhà nghiên cứu Đại học Hoàng gia London đã tổng hợp dữ liệu về các kiểu tiếp xúc đặc trưng theo độ tuổi và mức độ nghiêm trọng của Covid-19. “Phương pháp duy nhất có thể ngăn chặn sự cố hệ thống y tế trong những tháng tới là cách ly xã hội trên diện rộng như cách mà các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch đang triển khai”, nhóm nghiên cứu đúc kết.
Nhóm nghiên cứu khuyến cáo, các biện pháp can thiệp (xã hội) cần được duy trì ở mức độ phù hợp song song với việc giám sát chặt chẽ và cách ly nhanh. Với các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt, tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại các quốc gia thu nhập cao hơn có thể sẽ giảm nhiều và gánh nặng lên hệ thống y tế cũng giảm bớt.
Trong khi đó, một nghiên cứu độc lập của các chuyên gia kinh tế từ Đại học Pennsylvania, Đại học Công nghệ Thượng Hải và Đại học Hong Kong chỉ ra rằng nếu thành phố Vũ Hán không được “phong tỏa” lúc dịch Covid-19 bùng phát, số ca nhiễm tại Trung Quốc có lẽ đã tăng thêm 65% và trải rộng tại 347 thành phố của nước này. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên Mạng lưới Nghiên cứu Khoa học Xã hội (SSRN) vào tuần trước.
Trên thực tế, việc cân bằng thời gian và tiến độ gỡ bỏ “phong tỏa” Vũ Hán và nới lỏng các biện pháp cách lý xã hội quả là thách thức đối với các quan chức địa phương, bởi họ phải cân nhắc đến yếu tố tâm lý người dân và áp lực khôi phục kinh tế.
Các chuyên gia Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London dự báo, các biện pháp cách ly tại Vũ Hán sẽ hiệu quả nhất nếu thành phố này trì hoãn việc cho phép lao động trở lại làm việc vào đầu tháng Tư.
Họ cho rằng những thay đổi về cách thức tiếp xúc có thể giúp trì hoãn đáng kể đỉnh dịch và giảm số ca mắc bệnh. Nghiên cứu của nhóm chuyên gia Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London cũng cho rằng đỉnh dịch Covid-19 lần thứ 2 dự báo xảy ra vào cuối tháng 8 có thể sẽ bị trì hoãn hai tháng, nếu việc đóng cửa các trường học và nơi công sở của Vũ Hán được nới lỏng vào tháng 4 thay vì tháng 3.
Các quan chức Trung Quốc mới đây cho biết Vũ Hán dự kiến sẽ dỡ bỏ các biện pháp “phong tỏa” vào ngày 8/4.