Song những con số do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa công bố hẳn sẽ làm người đứng đầu Chính phủ chưa thể an tâm. Đó là 73% doanh nghiệp còn than phiền về thủ tục hành chính còn rườm rà, gây mất thời gian. Đó là 64% doanh nghiệp kêu ca thái độ, hành vi ứng xử của cán bộ cơ quan nhà nước chưa đúng mực, còn nhũng nhiễu; 46% doanh nghiệp tiếp tục bị khó khăn bởi sự chồng chéo giữa các cơ quan nhà nước…
. |
Năm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, siết chặt kỷ luật hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết với cộng đồng kinh doanh Việt Nam đang đi đến những ngày cuối cùng, nhưng với bức tranh trên, công việc cần làm vẫn rất nhiều.
Tất nhiên, sẽ không thể không nhắc tới những bước nhảy vọt của môi trường kinh doanh Việt Nam năm qua, nhất là bước thăng hạng 14 bậc trong Bảng Xếp hạng Doing business 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB) hay vị trí mới Việt Nam trên Bảng Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) sau khi tăng 5 bậc trong kỳ đánh giá năm 2017-2018. Không thể không nhắc tới hàng loạt kế hoạch cắt giảm điều kiện kinh doanh mà các bộ, ngành đang rốt ráo thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Nếu các kế hoạch này được chấp thuận và thực hiện, thì môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ sang một trang mới với cuộc cách mạng trong tư duy quản lý nhà nước về điều kiện kinh doanh…
Trong xu thế phát triển mới của nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tràn khắp thế giới, mang theo vô vàn cơ hội đầu tư - kinh doanh chưa từng có, cùng với đó là những thách thức cũng chưa từng có trong lịch sử, những rào cản của môi trường kinh doanh, dù nhỏ nhất cũng sẽ cản dòng chảy của cộng đồng kinh doanh Việt vào nền kinh tế thế giới. Thậm chí, những rào cản chính sách, rào cản về tư duy có sức mạnh hơn rất nhiều so với rủi ro thị trường, bởi không một mô hình kinh doanh, một phương thức sản xuất mới nào có thể giải được bài toán về rủi ro chính sách.
Người đứng Chính phủ cũng không né tránh thực trạng này, khi nhìn vào bước phát triển mới của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông đã nhìn thấy những yêu cầu mới mà doanh nghiệp phải tuân thủ, như nắm bắt xu hướng công nghệ mới, trang bị đủ năng lực, sẵn sàng tiếp nhận các mô hình kinh doanh tiên tiến, đặc biệt là dũng cảm từ bỏ, cải cách mô hình cũ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, của người tiêu dùng. Sẽ có những doanh nghiệp bị thải loại do không theo kịp xu thế. Sẽ có những người lao động không còn việc làm nếu không cập nhật trình độ. Sẽ có những doanh nghiệp mới nổi lên, thế chân vào những thương hiệu lâu năm, nhưng không kịp thích ứng…
Thế nhưng, để sự từ bỏ này của doanh nghiệp, của người dân thuận lợi, có hiệu quả và quan trọng nhất là không tạo nên những cú sốc, cần sự hậu thuẫn bởi sự dũng cảm từ bỏ thói quen cũ, tư duy cũ của hệ thống quản lý nhà nước, đặc biệt là từng công chức nhà nước đang thực thi nhiệm vụ…
Phải nhắc lại lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt. Muốn vậy, phải hành động quyết liệt, kịp thời để vượt qua thách thức, phát huy mọi lợi thế, tận dụng thành công cơ hội phát triển; phải có thái độ ứng xử cởi mở, sẵn sàng thử nghiệm những mô thức mới. Bên cạnh đó, phải tạo dựng môi trường thể chế, chính sách, pháp luật thông thoáng, sẵn sàng thích ứng và kiến tạo, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh mới phát triển.