Tài chính - Chứng khoán
Cái bắt tay “win - win” giữa SHB và Krungsri
P.V - 09/06/2023 11:46
Tiềm năng phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam còn rất lớn, cộng thêm nhiều năm qua chưa có thêm công ty tài chính nào được cấp phép, khiến giá chuyển nhượng của các công ty tài chính ngày càng tăng.

Thương vụ thoái vốn tại SHBFinance đem lại lợi ích lớn cho SHB, lượng tiền lớn thu được là sự bổ sung nguồn vốn để tăng cường năng lực tài chính và các yếu tố nền tảng, triển khai các chiến lược trọng điểm, đặc biệt là chuyển đổi số, cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). Còn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, sở hữu công ty tài chính tại Việt Nam sẽ giúp họ có thể mở rộng, phát triển trên thị trường 100 triệu dân.

Tài chính tiêu dùng Việt Nam “hút” nhà đầu tư ngoại

Với dân số 100 triệu dân, trong đó nhóm dân số thuộc độ tuổi lao động chín muồi (25-49 tuổi) chiếm 40% và tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 7-8%/năm, thì Việt Nam được đánh giá là thị trường tài chính tiêu dùng đầy tiềm năng, thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Đỗ Anh Quân, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội, vai trò của các công ty tài chính là rất lớn, là kênh dẫn vốn kịp thời cho xã hội, đẩy lùi tín dụng đen. Việc tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế là một lợi thế rất lớn cho thị trường Việt Nam từ kinh nghiệm đến công nghệ, thêm nguồn lực và tối ưu hiệu quả kinh doanh, từ đó mang tới cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn từ sản phẩm tốt và chất lượng dịch vụ vượt trội.

Nhân viên SHBFinance tư vấn cho khách kinh doanh nhỏ lẻ.

Hiện thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động, trong đó có một số công ty nắm giữ thị phần lớn như: FE Credit, SHBFinance, Home Credit, HD Saison, Mcredit…

Phần lớn các công ty tài chính trước khi bán vốn đều thuộc ngân hàng mẹ như: FE Credit (thuộc VPBank); SHBFinance (thuộc SHB); HD Saison (thuộc HDBank); Mcredit (thuộc MBBank); Techcom Finance (thuộc Techcombank)…

Những năm gần đây, các ngân hàng đã đẩy mạnh thoái vốn tại các công ty tài chính như: năm 2017, Techcombank bán 100% vốn tại Techcom Finance cho Tập đoàn Lotte Hàn Quốc với giá chuyển nhượng 87,5 tỷ won, tương đương 1.734 tỷ đồng, gấp 2,89 lần vốn điều lệ của Techcom Finance (600 tỷ đồng). Ngân hàng Quân Đội bán 49% vốn ở MCredit cho ngân hàng Shinsei Bank của Nhật Bản thu lãi 615 tỷ đồng (vốn điều lệ của Mcredit trước khi bán vốn đạt 500 tỷ đồng).

Năm 2021, VPBank bán 49% cổ phần FE Credit cho SMBCCF (một công ty con do Tập đoàn SMBC của Nhật Bản sở hữu 100% vốn). Giá trị thương vụ này đạt gần 1,4 tỷ USD, tương đương 30.000 tỷ đồng, gấp 2,72 lần vốn điều lệ FE Credit (Vốn điều lệ FE Credit trước khi bán vốn đạt gần 11.000 tỷ đồng).

Mới đây, thương vụ nổi bật trong giai đoạn 2021 - 2023 là vụ chuyển nhượng vốn điều lệ của SHB tại SHBFinance cho Ngân hàng Krungsri của Thái Lan - thành viên chiến lược thuộc tập đoàn MUFG của Nhật Bản. Đây là thương vụ được đánh giá có giá chuyển nhượng/vốn điều lệ cao nhất trong các thương vụ tài chính mà các ngân hàng Việt Nam thoái vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trước đó, Krungsri đã từng tiết lộ chi 5,1 tỷ baht Thái, tương đương 156 triệu USD cho thương vụ, tức tương đương hơn 3.500 tỷ đồng, gấp 3,5 lần vốn điều lệ của SHBFinance. Thương vụ này không chỉ cho thấy kỳ vọng của Ngân hàng Krungsri và Tập đoàn MUFG vào tiềm năng tăng trưởng của SHBFinance, mà còn là minh chứng cho niềm tin sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Thu về hàng ngàn tỷ đồng từ chuyển nhượng vốn công ty tài chính

Có thể nói, đối với các ngân hàng, việc thoái vốn khỏi các công ty tài chính không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn, giúp ngân hàng gia tăng hệ số an toàn vốn mà còn tập trung vào những mảng kinh doanh cốt lõi, cũng như hạn chế chồng chéo trong chiến lược phát triển kinh doanh, khi mà không ít ngân hàng vẫn phát triển mảng cho vay bán lẻ trong đó bao gồm cả khách hàng hộ gia đình, cá nhân và gia tăng mảng ngân hàng số để phục vụ nhóm khách hàng này.

Nói về khoản thu được từ chuyển nhượng vốn điều lệ SHBFinance, ông Đỗ Quang Vinh, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc SHB chia sẻ, việc hợp tác chiến lược “win - win” giữa 2 ngân hàng có quy mô, vị thế Top 5 tại Việt Nam và Thái Lan sẽ mở ra cơ hội phát triển mang tầm khu vực và vươn ra thế giới. Giao dịch này sẽ tạo thêm nguồn lực để SHB cường năng lực tài chính và các yếu tố nền tảng, tiếp tục đầu tư hơn nữa cho quá trình chuyển đổi số. SHB sẽ được tăng cường bộ đệm vốn, một trong những cơ sở để đẩy nhanh lộ trình triển khai Basel III và áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) trong năm 2023.

Ông Đỗ Quang Vinh phát biểu tại Lễ hoàn tất chuyển nhượng vốn lần đầu tại SHBFinacen ngày 2/6 vừa qua.

Theo thông tin từ SHB, từ năm 2021, SHB đã lựa chọn BCG (một trong 3 công ty tư vấn chiến lược lớn nhất thế giới) để triển khai chiến lược kinh doanh. Trong lộ trình hướng tới những mục tiêu nhiều tham vọng, SHB đang quyết liệt triển khai chuyển đổi ở các khía cạnh: Nhân sự, chuyển đổi số, quản trị rủi ro… Với nguồn tài chính khoảng 3.500 tỷ đồng thu được từ thương vụ chuyển nhượng vốn điều lệ Công ty SHBFinance, chiến lược chuyển đổi toàn diện của SHB sẽ được đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn.

Còn đối với các tập đoàn nước ngoài, việc tham gia mảng bán lẻ, tài chính tiêu dùng của các công ty tài chính Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư rút ngắn công đoạn xây dựng hệ thống, cơ sở khách hàng phục vụ cho mục tiêu phát triển hệ sinh thái của mình…

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng có một số lợi thế như: Có bí quyết và kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng đã tích lũy được tại thị trường ở các quốc gia châu Á khác; nguồn vốn giá rẻ hút được từ thị trường quốc tế…

Với sự hợp tác “Win - Win” giữa ngân hàng Việt Nam và tập đoàn nước ngoài được kỳ vọng sẽ giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển nhanh, mạnh mẽ hơn nữa và khách hàng là những đối tượng ở giữa được hưởng lợi từ sự hợp tác này.

Tin liên quan
Tin khác