Thời sự
Cải cách để chấm dứt thủ tục hải quan giấy vào năm 2025
Hàn Tín - 06/10/2021 09:21
Bộ Tài chính bắt đầu xây dựng Chiến lược Phát triển hải quan giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đến năm 2025, tất cả thủ tục... được thực hiện thông qua cơ chế Một cửa quốc gia.
Doanh nghiệp đòi hỏi phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu.

 Cải cách mạnh mẽ, nhưng chưa đủ

Chiến lược Phát triển hải quan giai đoạn 2011-2020 đã kết thúc, theo đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thông tin về chính sách và thủ tục xuất nhập khẩu dễ tiếp cận hơn; doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hải quan thuận lợi hơn.

“Những chuyển biến tích cực được doanh nghiệp ghi nhận như việc khai hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hoá, nộp thuế, hoàn thuế/không thu thuế, cho đến giải quyết khiếu nại; giảm bớt chồng chéo, trùng lặp trong kiểm tra sau thông quan, thủ tục xác nhận hàng hoá qua khu vực giám sát qua hệ thống quản lý hải quan tự động. Công tác kiểm tra, quản lý chuyên ngành vốn trước đây có nhiều phàn nàn, gần đây đã ghi nhận những chuyển biến tích cực”, ông Lộc nhận định.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, năm 2014, khi bắt đầu áp dụng VNACCS/VCIS (Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia), rất nhiều doanh nghiệp than phiền về hệ thống này và muốn quay lại làm thủ tục thủ công. Nhưng chỉ sau một năm, doanh nghiệp thấy áp dụng VNACCS/VCIS vô cùng thuận lợi.

“Theo khảo sát của CIEM, gần 100% doanh nghiệp cho rằng, VNACCS/VCIS là một trong những đột phá quan trọng trong lĩnh vực quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu”, bà Thảo cho biết.

Đột phá cải cách thủ tục hải quan, theo bà Thảo, còn là Nghị định 85/2019/NĐ-CP quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế Một cửa quốc gia, cơ chế Một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; Quyết định 38/QĐ-TTg (năm 2021) phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Đây là những bước cải cách vô cùng quan trọng để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu - một trong những động lực phát triển kinh tế.

Nếu trước đây, các tiêu chí về quản lý rủi ro luôn được xếp vào hàng bí mật trong cơ quan hải quan, thì giờ đã được công khai, nên doanh nghiệp căn cứ vào các tiêu chí này phấn đấu đạt được “niềm tin” của cơ quan hải quan để được tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu.

“Điều đáng ghi nhận nữa là trong khi rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang loay hoay về doanh nghiệp ưu tiên, thì hải quan đã mạnh dạn áp dụng tiêu chí doanh nghiệp ưu tiên. Dù số lượng doanh nghiệp được đưa vào danh sách ưu tiên trong quản lý nhà nước về hải quan chưa nhiều, nhưng đây cũng là bước đi mạnh dạn đáng ghi nhận”, bà Thảo chia sẻ. 

Tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn

Đánh giá cao nỗ lực cải cách thủ tục hải quan trong 10 năm qua, nhưng theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế (VCCI), tốc độ cải cách hải quan trong một số khâu gần đây có dấu hiệu chững lại, như thủ tục kiểm tra hồ sơ hàng hóa xuất nhập khẩu, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, tỷ lệ hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, xác định trị giá hải quan… 

Theo khảo sát mới được VCCI thực hiện, 79,5% số doanh nghiệp cho rằng, phải tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; 70% doanh nghiệp cho rằng, cần phải công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính. Đặc biệt, doanh nghiệp đòi hỏi phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu, tránh tình trạng cải cách nửa vời. “Dù thực hiện thủ tục Một cửa quốc gia, nhưng nhiều cơ quan mới áp dụng ở cấp độ 3, nên doanh nghiệp vẫn phải nộp hồ sơ giấy, trong khi đã thực hiện giao dịch điện tử”, ông Tuấn cho biết.

So với năm 2011, năm 2020 số lượng tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu tăng 229%, kim ngạch xuất khẩu tăng 268%, thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 160%. Trong 10 năm tới, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục gia tăng mạnh mẽ, trong khi số lượng biên chế của ngành hải quan nói riêng, cả hệ thống quản lý nhà nước không tăng thêm, mà mỗi năm phải giảm bình quân 1,5%, nên bắt buộc phải tiếp tục cải cách thủ tục hải quan mạnh mẽ hơn nữa.

“Hầu hết 218 thủ tục quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu đã kết nối với cổng thông tin điện tử Một cửa quốc gi, nhưng rất nhiều thủ tục kết nối chỉ để kết nối, nên vẫn gây phiền hà cho doanh nghiệp. Trong nhiều lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước còn yêu cầu doanh nghiệp phải nộp cả bản hồ sơ gốc để đối chiếu”, bà Thảo cho biết.

Tin liên quan
Tin khác