Doanh nghiệp
Cải cách môi trường kinh doanh: Các bộ, ngành đang chững lại?
Khánh An - 14/07/2022 09:34
Doanh nghiệp đang mong các bộ, ngành nhanh hơn, giải quyết ngay, giải quyết đến cùng những kiến nghị của doanh nghiệp, người dân.
Dự thảo Thông tư ghi nhãn dinh dưỡng được đề cập trong kiến nghị của Amcham. Ảnh: Đức Thanh


Những kiến nghị có đi, chưa về

“Nhiều văn bản có ngày gửi cách đây 2-3 tháng, thậm chí từ tháng 1/2022, nhưng đến giờ doanh nghiệp chưa nhận được hồi âm”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) nói khi điểm lại nhiều văn bản Tổ công tác triển khai Nghị quyết 02/2022/NQ-CP của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được trong nửa năm qua.

Phần lớn văn bản có địa chỉ nơi nhận là các bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ…, nơi gửi là các hiệp hội doanh nghiệp trong nước, nước ngoài. Nội dung chủ yếu là những vướng mắc trong các quy định hiện hành, góp ý vào các dự thảo cơ chế, chính sách đang được xây dựng.

Theo bà Thảo, các ý kiến đều đã được các cơ quan ghi nhận, song điều đó chưa đủ với doanh nghiệp. Họ cần sớm nắm được phương án xử lý của các cơ quan quản lý, nhất là trong bối cảnh nhiều quy định cần có thời gian, chi phí để tuân thủ, để việc thực thi không chỉ thuận lợi mà giảm thiểu nhiều chi phí không đáng có.

Có thể nhắc đến kiến nghị của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) gửi các bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ tháng 5/2022 về chỉ tiêu, nguyên tắc ghi nhãn, lộ trình thực hiện tại Dự thảo Thông tư ghi nhãn dinh dưỡng. Một số quy định chưa phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như nguyên tắc quản lý rủi ro, có thể gây tốn kém, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Trong kiến nghị, các doanh nghiệp đã cẩn thận chụp nhiều sản phẩm dù thời gian sử dụng còn dài, lên tới cả năm, nhưng sẽ bị thu hồi khỏi thị trường do không đáp ứng yêu cầu về ghi nhãn theo dự thảo trên.

Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM tiếp tục theo đuổi kiến nghị bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt”, “bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” tại Nghị định số 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Trong văn bản được gửi hồi đầu năm tới Bộ trưởng Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc, Hiệp hội nhắc đến các kiến nghị tương tự đã được gửi cuối năm trước, nhưng vẫn trong bối cảnh đợi hồi âm.

Sự sốt ruột của các doanh nghiệp không chỉ là các quy định không phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là các tiêu chí đánh giá theo hướng dẫn về bổ sung vi chất dinh dưỡng của Tổ chức Y tế thế giới, mà nhiều nước không chấp nhận các sản phẩm có bổ sung i-ốt như Nhật, Australia, buộc doanh nghiệp phải đầu tư dây chuyền sản xuất riêng cho hàng xuất khẩu… Khi các việc này xử lý càng chậm, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp càng giảm.

Cải cách ở các bộ, ngành có dấu hiệu suy giảm

“Trong báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ, chúng tôi đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức đối thoại với người dân và doanh nghiệp, để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc”, bà Thảo cho biết.

Kiến nghị trên đã được ghi trong báo cáo gửi Chính phủ. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị: “Những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành, địa phương thì cần giải quyết ngay, giải quyết đến cùng và xác định thời gian giải quyết cụ thể, rõ ràng. Những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết thì kịp thời báo cáo và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền liên quan; đồng thời theo dõi, đóng góp và cập nhật kịp thời khi văn bản chính sách được điều chỉnh”.

Sau 6 tháng triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác nhận, các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức được vai trò và ý nghĩa của cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng việc thực thi không đồng đều. Đến ngày 22/6/2022, Bộ mới nhận được báo cáo 6 tháng của 10/27 bộ, ngành, cơ quan và 22/63 địa phương, trong khi hạn định là ngày 10/6.

“Mức độ quan tâm và chú trọng đến hoạt động cải cách này có sự suy giảm ở cấp bộ, ngành”, bà Thảo lo ngại.

Đơn cử, việc cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của nhiều bộ, ngành có xu hướng chững lại từ năm 2021 đến nay. Đây là điểm khác biệt so với việc thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP và trước đó là Nghị quyết số 19/NQ-CP từ năm 2015-2020. Điều này cũng ngược với sự quyết liệt tăng cao ở các địa phương, khi nhiều tỉnh, thành phố đặt mục tiêu rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính 30-50% so với quy định.

Sự chậm trễ ở các cơ quan trung ương, nhất là khi hệ thống văn bản pháp luật vẫn chưa đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và khả thi, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nỗ lực cải cách ở địa phương. Thậm chí, đây có thể là một phần nguyên do của tình trạng lãnh đạo địa phương cam kết nhiều, nhưng thực thi trên thực tế chưa được bao nhiêu mà doanh nghiệp vẫn phàn nàn.

“Nếu các bộ, ngành chưa coi doanh nghiệp là trung tâm và thực hiện cải cách thể chế vì sự phát triển và khuyến khích sự sáng tạo của doanh nghiệp, thì khoảng cách giữa lời nói và thực thi vẫn sẽ còn”, bà Thảo thẳng thắn.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đang chờ đợi áp lực cải cách mạnh mẽ hơn từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Một số đề xuất, kiến nghị gửi các bộ, ngành, địa phương

Triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết có liên quan của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia;

Thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quy định, chính sách; nhất là trong thực thi các quy định, thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai, điều kiện kinh doanh...

Đảm bảo kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Áp dụng đầy đủ nguyên tắc về quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra, kiểm tra;

Triển khai thực chất dịch vụ công trực tuyến; không chỉ tăng số lượng các thủ tục hành chính kết nối điện tử, mà cần đảm bảo tỷ lệ hồ sơ được thực hiện thuận lợi và thành công qua nền tảng điện tử;

Thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp;

Nghiên cứu, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh…

Nguồn: Báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP trong 6 tháng đầu năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tin liên quan
Tin khác