Trong bài viết gửi Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ quan điểm rằng, cải cách thể chế, cải thiện vượt bậc chất lượng môi trường kinh doanh đã trở thành mệnh lệnh không thể chần chừ.
“Tôi cảm nhận thấy điều này với tư cách là người đã tham gia xây dựng và thực hiện chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong các nhiệm kỳ chính phủ trước đây”, ông Cung viết.
Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, pháp luật phải rõ ràng, minh bạch, cùng cơ chế giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả. Ảnh: Đức Thanh |
Bài 2: Chìa khóa thành công nằm ở lời giải “Ai làm”
Cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh luôn là quá trình cực kỳ khó khăn, trong đó “Ai làm” - yếu tố quyết định thành bại của quá trình cải cách - cần được làm rõ.
Cải cách liên tục và toàn diện
Cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là một yếu tố không thể thiếu trong khung khổ tư duy điều hành phát triển kinh tế - xã hội và đã chứng tỏ là hữu ích và hiệu quả trong mấy nhiệm kỳ qua.
Chính vì vậy, khôi phục lại chương trình cải cách (liên tục và toàn diện), cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đang là đòi hỏi cấp bách để phục hồi kinh tế sau tác động liên tiếp của 2 cú sốc.
Chương trình này được thể hiện bằng một nghị quyết riêng, hàng năm của Chính phủ. Ngoài ra, kinh nghiệm thực tế cho thấy, Chính phủ rất cần có sự ủng hộ, chia sẻ và đồng hành của Quốc hội và Tòa án Nhân dân tối cao trong cải thiện các chỉ số liên quan đến tư pháp trong chất lượng môi trường kinh doanh.
Nội dung chương trình cải cách phải bám sát và cụ thể hóa các phương hướng và yêu cầu đối với cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đã xác định trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.
Xem xét các nội dung có liên quan của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, kết hợp với kinh nghiệm thực tế cho thấy, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh ở nước ta cần tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ căn bản.
Thứ nhất, tiếp tục mở rộng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh bằng cách tháo bỏ các rào cản, nhất là rào cản pháp lý đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Có thể nói, chúng ta đã có bước tiến xa trên lĩnh vực này, tuy vẫn còn rất nhiều rào cản bất hợp lý. Tuy vậy, các nỗ lực xóa bỏ rào cản trong thời gian gần đây không có kết quả đáng kể hoặc không duy trì được kết quả cải cách một cách bền vững. Nguyên nhân cơ bản là ở quan niệm về vai trò của pháp luật.
Pháp luật được coi là công cụ quản lý của các cơ quan nhà nước, nhất là các bộ, ngành liên quan. Tạo ra rào cản trong các văn bản pháp luật là tạo ra công cụ quản lý, tạo ra quyền và lợi ích cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Vì vậy, mọi nỗ lực cải cách dựa vào các bộ, ngành đã, đang và sẽ không thành công. Nếu có một một cải cách nào đó thành công, thì các văn bản pháp luật liên quan ban hành sau đó sẽ xoá bỏ hết các thành quả cải cách đã đạt được.
Thứ hai, bảo đảm an toàn trong đầu tư, kinh doanh của người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Xoá bỏ rào cản pháp lý cũng góp phần bảo đảm an toàn đầu tư và kinh doanh, nhưng chưa đủ. Điều cần có thêm là pháp luật phải rõ ràng, minh bạch, ổn định và dự đoán được trong thực hiện và tuân thủ, cùng với cơ chế giải quyết tranh chấp công tâm, công bằng, hiệu quả và có độ tin cậy cao.
Những điều kể trên đều còn yếu và rất thiếu ở nước ta. Nguyên nhân cơ bản vẫn bắt nguồn từ quan điểm coi pháp luật là công cụ quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các cơ quan này đều chủ trì soạn thảo tất cả các văn bản pháp luật ở nước ta. Ngoài ra, cải cách thể chế bảo đảm an toàn đối với đầu tư, kinh doanh không thể thiếu sự tham gia tích cực, chủ động của các cơ quan tư pháp. Điều này cũng hầu như chưa có ở nước ta.
Thứ ba, cũng là trọng tâm đột phá thể chế giai đoạn 2021-2030, là phát triển các loại thị trường nhân tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, trong đó có quyền sử dụng đất nông nghiệp, để các loại thị trường này đóng vài trò chủ yếu trong huy động, phân bố và sử dụng nguồn lực.
Đó thực chất là đổi mới căn bản thể chế phân bố nguồn lực từ chủ yếu bằng “xin -cho” hành chính chủ quan sang chủ yếu thông qua hoạt động của các thị trường nhân tố sản xuất. Trọng tâm của cải cách nằm ở thay đổi hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, đầu tư, xây dựng và các pháp luật liên quan, kết hợp với xây dựng hệ thống hạ tầng các loại thị trường nói trên.
Thực ra, nhiệm vụ này đã được đặt ra tại Đại hội XII của Đảng, được nhấn mạnh và làm rõ thêm tại Đại hội XIII. Các vấn đề cần giải quyết cũng đã được xác định cách đây nhiều năm. Chính phủ, Quốc hội cũng đã phần nào nhận biết thực trạng của vấn đề; từ đó, đã ban hành một luật sửa đổi, bổ sung 8 luật liên quan.
Tuy vậy, cải cách trên lĩnh vực này hầu như dậm chân tại chỗ, thậm chí có bước thụt lùi đáng kể.
Ngoài việc coi pháp luật là công cụ quản lý, thì chính cơ chế phân bố và quản lý sử dụng nguồn lực theo cách “xin - cho” hành chính đã và đang tạo cho các cơ quan, nhất là bộ, ngành, và cá nhân liên quan một quyền lực vượt trội và lợi ích khổng lồ, mà không ai trong số họ muốn từ bỏ.
Người ta biện minh về sự cần thiết và yêu cầu phải quản lý nhà nước đối với phân bố và sử dụng nguồn lực để không đổi mới thể chế liên quan, qua đó, thiết lập thể chế phân bố nguồn lực đúng theo định hướng mà Đảng đã xác định. Bản thân các cơ quan “quản lý” không muốn thay đổi, không muốn từ bỏ quyền và lợi của mình. Xã hội, hệ thống chính trị cũng không tạo ra áp lực đủ mạnh để buộc họ phải thay đổi.
Thứ tư, thay đổi vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường trong nền kinh tế. Nhà nước phải cắt giảm chức năng và phải chuyển từ vai trò chỉ huy, kiểm soát và quản lý là chủ yếu sang kiến tạo phát triển và phục vụ người dân và doanh nghiệp là chủ yếu. Từ đó, chức năng, cơ cấu tổ chức bộ máy, công cụ và năng lực cần có để thực hiện chức năng của Nhà nước cũng sẽ thay đổi tương ứng.
Có thể nói, nhiệm vụ thứ tư là cơ bản và quan trọng nhất, bởi vì, khi vai trò và chức năng của Nhà nước thay đổi theo hướng tập trung vào kiến tạo phát triển và phục vụ, thì 3 nhiệm vụ kia sẽ đương nhiên được thực hiện một cách dễ dàng.
Ai làm cải cách?
Nhìn lại, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh ở nước ta luôn là quá trình cực kỳ khó khăn, nhiều khi mới chỉ dừng lại ở việc điểm danh các việc phải làm. Còn ai làm, làm thế nào và làm khi nào, thì hầu như còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, “ai làm cải cách” là yếu tố quyết định thành bại của của quá trình cải cách.
Lâu nay, chúng ta dựa vào bộ máy hành chính, chủ yếu là các bộ, ngành để thực hiện cải cách. Cách này đã chứng tỏ là không phù hợp.
Lý do chính là vì chức năng, nhiệm vụ, các bộ, ngành hiếm khi thực sự cải cách một cách thực chất hoặc chỉ làm theo cách mà không ảnh hưởng đến vai trò, chức năng, quyền và lợi.
Vậy ai sẽ đưa sáng kiến và làm các đề án cải cách?
Tôi xin kiến nghị phương án sau đây. Chính phủ nên lập một “quốc vụ khanh” hay bộ trưởng không bộ chuyên trách nghiên cứu, đề xuất sáng kiến và soạn thảo các đề án cải cách thể chế cải thiện môi trường kinh doanh.
Bộ trưởng có một văn phòng với khoảng 10-15 chuyên gia xuất sắc và độc lập do Bộ trưởng trực tiếp lựa chọn. Trong quá trình hoạt động, vị bộ trưởng này có quyền tuyển dụng thêm cộng tác viên theo yêu cầu công việc cụ thể.
Văn phòng này đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo trực tiếp với Thủ tướng. Quốc vụ khanh cùng với văn phòng cải cách thể chế, cải thiện môi trưởng kinh doanh đề xuất sáng kiến, soạn thảo các đề án cải cách có liên quan, kể cả bổ sung, sửa đổi luật pháp có liên quan trình Thủ tướng và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đồng thời, Văn phòng cũng có chức năng theo dõi, đánh giá và giám sát kết quả thực hiện các chương trình, đề án cải cách cụ thể.
Thực tế cũng cho thấy, những cải cách được đề xuất bởi cơ quan độc lập, trung tính không có chức năng quản lý nhà nước đều mang lại kết quả tích cực, có tác động lớn đối với phát triển kinh tế đất nước.
Cũng phải nhắc lại, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, trong đó, các định hướng và yêu cầu về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cũng đã được thể hiện khá đậm nét.
Về mục tiêu, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 xác định, “phấn đấu đến năm 2030, môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu thế giới….; hoàn thành xây dựng chính phủ số; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số”.
Trọng tâm của đột phá chiến lược về thể chế cũng có thay đổi, đó là phát triển đồng bộ thị trường các nhân tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ để các thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bố nguồn lực…, thay vì cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của giai đoạn 2016 - 2020.
Với những mục tiêu cao, trọng tâm đột phá mới, để thực hiện được, cần phải thay đổi cách thức thực hiện cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia.