Cải cách thể chế mang lại cơ hội về M&A
Việt Nam đã thu hút được lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007. Những điều diễn ra sau đó đã chứng minh một cách hiệu quả việc làm thế nào mà một tổ chức quốc tế lớn như vậy có thể trở thành tác nhân cho Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế, luật pháp; làm thế nào để cải cách có thể thực sự diễn ra, và làm thế nào để những cơ hội và tăng trưởng đã được tạo ra cùng với những thành quả kinh tế tích cực, những cải cách pháp lý có tính xây dựng.
Một thập kỷ sau, một trong những cách thức mà Việt Nam sử dụng để củng cố thị trường ngày càng phát triển của mình và tận dụng những cơ hội mà WTO mang lại nhằm hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu chính là việc tham gia nhiều FTA khác nhau. Cho đến nay, con số FTA mà Việt Nam tham gia đã lên đến 17 - với nhiều đối tác thương mại là các cường quốc, bao gồm FTA với ASEAN+6 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand), FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
. |
Những FTA mới này được kỳ vọng sẽ thiết lập được một khuôn khổ quốc tế chung mới, nhằm hỗ trợ thương mại, thu hút thêm đầu tư, kích thích cải cách thể chế và cải thiện minh bạch trong môi trường đầu tư của các quốc gia như Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa hiểu vì sao Việt Nam lại cần phải tham gia nhiều FTA đến như vậy. Từ góc nhìn của Chính phủ, lý do có thể là việc có nhiều FTA với các đối tác thương mại khác nhau sẽ giúp mở ra nhiều thị trường xuất khẩu khác nhau và giảm thiểu sự phụ thuộc vào bất cứ một thị trường xuất khẩu đơn lẻ truyền thống nào, hoặc giảm thiểu sự phụ thuộc của Việt Nam vào một số nguồn vốn nhất định.
Trong khi cần phải có thêm thời gian và các khảo sát độc lập để xem rằng, các FTA có đem lại nhiều lợi ích như Chính phủ mong muốn hay không, thì điều có thể khẳng định được chính là cả môi trường đầu tư và khuôn khổ pháp lý tại Việt Nam đã dần được cải thiện như là một phần của việc thực hiện các cam kết FTA. Việc cải thiện này được kỳ vọng sẽ tiếp tục, đặc biệt là trong lĩnh vực pháp lý đang có nhiều nỗ lực cải cách.
Trong 3 năm qua, Việt Nam đã ban hành một số luật quan trọng, như Bộ luật Dân sự mới, Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Cạnh tranh. Một số luật quan trọng khác cũng được đề xuất sửa đổi, như Luật Đất đai, Luật Chứng khoán, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.
Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành một số nghị định mà người dân và doanh nghiệp đã chờ đợi từ lâu. Đó là Nghị định 126/2017/NĐ-CP về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Nghị định 09/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Nghị định 86/2018/NĐ-CP về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định 81/2018/NĐ-CP về hoạt động xúc tiến thương mại.
Các văn bản pháp lý này đã có tác động rất tích cực đến môi trường kinh doanh. Những nỗ lực cải thiện quy định pháp lý này đã giúp mở đường cho một nền kinh tế có tính thị trường hơn và giúp Việt Nam thu hút thêm vốn đầu tư vào các ngành dịch vụ mới.
Nói một cách đơn giản, những thay đổi pháp lý đã giúp Việt Nam duy trì được vị trí là một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu trên thế giới và đã giúp tạo ra một môi trường mà trong đó có nhiều cơ hội về M&A cho các nhà đầu tư. Tính đến cuối năm 2017, tổng số vốn nước ngoài thông qua M&A tại Việt Nam là hơn 10 tỷ USD, tăng 78% so với năm 2016.
Chính sách thoái vốn đang được thực hiện của Chính phủ là một trong những động lực của xu hướng M&A. Vào tháng 8/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1232/2017/QD-TTg phê chuẩn danh mục 406 DNNN phải thoái vốn trong giai đoạn 2017 - 2020. Vinamilk và Sabeco nằm trong số những thương vụ lớn mà Chính phủ bán vốn của mình tại những doanh nghiệp lớn.
Thương vụ Sabeco nằm trong kế hoạch thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn. |
Cho đến nay, nhiều nhà đầu tư vẫn coi thương vụ ThaiBev ôm trọn gần 54% cổ phần của Tổng công ty cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với mức giá cao kỷ lục 4,8 tỷ USD là một thương vụ lớn, hiểu theo nhiều cách. Trước hết, thương vụ này phản ánh niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là niềm tin của ThaiBev, vào sức tiêu thụ bia của giới trẻ Việt Nam và thu nhập khả dụng đang ngày càng tăng của họ. Nhìn rộng hơn, thương vụ này thể hiện 2 điều: nhà đầu tư nước ngoài cam kết làm ăn lâu dài tại thị trường Việt Nam ngày càng tăng trưởng và Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh việc thoái vốn ngoài ngành của các DNNN.
Nhưng thách thức vẫn còn
Tiếp nối sự thành công của thương vụ Sabeco, Nghị định 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về thủ tục cổ phần hóa đã có hiệu lực nhằm cải thiện khuôn khổ pháp lý cho cổ phần hóa. Tuy nhiên, theo nghị định này, vẫn có một số vấn đề cần bàn thảo.
Những thủ tục cổ phần hóa được đề cập trong Nghị định số 126/2017/NĐ-CP có thể được tóm tắt như sau: chuẩn bị kế hoạch cổ phần hóa; cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn kế hoạch cổ phần hóa; bán cổ phần thông qua phát hành cổ phần đối với người lao động và/hoặc các nhà đầu tư chiến lược; triệu tập cuộc họp đại hội đồng cổ đông đầu tiên nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh và bản điều lệ mới của doanh nghiệp; bổ nhiệm các thành viên của hội đồng quản trị (HĐQT) và ban kiểm soát; và đăng ký công ty được cổ phần hóa trở thành công ty cổ phần và trao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Theo những thủ tục trên, việc nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và được công nhận là công ty cổ phần là bước kết hợp cuối cùng của các thủ tục cổ phần hóa. Điều này làm tăng quan ngại của nhà đầu tư về hiệu lực của các cổ phần được mua trước khi công ty có thể trở thành một công ty cổ phần hợp pháp. Như vậy, những quyền và nghĩa vụ của các cổ đông trước khi công ty có được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vẫn là không rõ ràng.
Một quan ngại khác nữa liên quan đến vấn đề ai có thể đề cử các thành viên vào HĐQT và khi nào có thể đề cử - đây là một điểm quan ngại của ThaiBev trong thương vụ Sabeco. Về mặt kỹ thuật, theo Điều 114.2 của Luật Doanh nghiệp, để có quyền đề cử các ứng viên cho các vị trí thành viên HĐQT, các cổ đông phải nắm ít nhất 10% tổng số cổ phần phổ thông trong vòng ít nhất 6 tháng liên tiếp. Yêu cầu này là không khả thi đối với quy trình cổ phần hóa, vì tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông đầu tiên, chẳng có cổ đông nào lại sở hữu cổ phần trong vòng ít nhất 6 tháng liên tiếp.
Trong bối cảnh thiếu vắng các quy định và luật lệ rõ ràng để trả lời những câu hỏi này, thì có thể có nhiều cách suy luận khác nhau đối với các điều kiện được quy định tại Điều 114.2 của Luật Doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa. Chẳng hạn, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông đầu tiên, bất cứ cổ đông nào cũng có thể đề cử ứng viên cho HĐQT, bất kể là cổ đông đó có bao nhiêu cổ phần trong tay, hoặc bất kể là cổ đông đó nắm giữ cổ phần đó trong bao lâu tại công ty. Hoặc ngược lại, chỉ có Nhà nước và các cổ đông nắm giữ ít nhất 10% cổ phần được bán thông qua phát hành cổ phần (giả dụ rằng, vào thời điểm đó, những cổ đông này đã nắm giữ cổ phần trong vòng 6 tháng) là có thể có quyền đề cử.
Khoảng thời gian quy định để tiến hành quá trình cổ phần hóa cũng được coi là một thách thức. Theo Điều 38 của Nghị định 126/2017/NĐ-CP, việc bán cổ phần (bao gồm bán cổ phần ra công chúng, cho người lao động và các nhà đầu tư chiến lược) phải được hoàn thành trong vòng 4 tháng sau khi kế hoạch cổ phần hóa được phê duyệt. Khoảng thời gian này quá ngắn để các nhà đầu tư chiến lược thực hiện các rà soát pháp lý và tài chính cần thiết đối với doanh nghiệp được cổ phần hóa. Và nếu việc cổ phẩn hóa không thể được hoàn thành trong khoảng thời gian luật định, thì công ty phải yêu cầu gia hạn khoảng thời gian đó. Việc này gây trì hoãn quá trình cồ phần hóa và thậm chí có thể làm hỏng cả thương vụ.
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, vẫn còn chưa rõ liệu các điều khoản về vai trò, quyền và nghĩa vụ của các nhà đầu tư chiến lược theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP có đủ hấp dẫn để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia các thương vụ cổ phần hóa DNNN hay không.
Các nhà đầu tư chiến lược được ưu tiên đăng ký mua cổ phần của doanh nghiệp được cổ phần hóa, có cơ hội thực hiện các rà soát pháp lý và tài chính cần thiết đối với công ty cổ phần hóa, đàm phán hợp đồng mua cổ phần với Nhà nước. Để đổi lại, họ được kỳ vọng sẽ hỗ trợ về chuyển giao công nghệ, quản trị doanh nghiệp và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp được cổ phần hóa, đồng thời họ cũng sẽ bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần trong vòng 3 năm.
Việc tìm kiếm được đúng nhà đầu tư chiến lược là yếu tố chủ chốt trong việc cổ phần hóa thành công DNNN. Do vậy, thách thức ở đây chính là việc xác định được lợi ích chung của Nhà nước và của nhà đầu tư chiến lược.
Việt Nam đã và đang thu hút đầu tư nước ngoài được 30 năm và cũng đang bước vào giai đoạn cải cách kinh tế và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Các FTA , những cải cách pháp lý, thể chế và thoái vốn nhà nước đang là một trọng tâm lớn của Chính phủ. Do vậy, những cơ hội từ M&A là rất lớn, nhưng thách thức từ loại hình đầu tư này cũng không hề nhỏ.