Thời sự
Cải cách thể chế là trọng tâm chính sách phát triển của Việt Nam
Nguyên Đức - 05/12/2014 09:48
() Phát biểu tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2014 đang diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao việc VDPF đã lựa chọn chủ đề “Cải cách thể chế kinh tế, tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam”.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đột phá bằng cải cách thể chế
Cải cách thể chế tạo động lực mới cho nền kinh tế
Khai mạc Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam 2014
Quá trình đổi mới đòi hỏi chúng ta sự minh bạch
   
  Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: Đức Thanh  

Theo Thủ tướng, đây là chủ đề rất phù hợp với trọng tâm chính sách phát triển của Việt Nam.

Cập nhật tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2014 với các đối tác phát triển, Thủ tướng khẳng định, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, song với nỗ lực của mình và sự hỗ trợ quý báu của các đối tác phát triển, Việt Nam đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Trong đó, tăng trưởng GDP có thể đạt 5,9%, cao hơn mục tiêu đề ra, lạm phát ở mức 3%, tăng trưởng xuất khẩu 13%. “Chúng tôi vui mừng công bố, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt ngưỡng 150 tỷ USD”, Thủ tướng nói.

Đề cập Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Thủ tướng nhấn mạnh việc Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,2%, điều hành chủ động để lạm phát ở mức 5%. Cùng với đó, tập trung điều hành, chỉ đạo để giảm bội chi ngân sách xuống 5% và toàn bộ phần bội chi này sẽ được dành cho đầu tư phát triển. Nợ xấu cũng sẽ được giảm xuống 3% vào cuối năm 2015.

“Chúng tôi sẽ đảm bảo nợ công ở ngưỡng cho phép”, Thủ tướng khẳng định và cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 là Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện nhà nước pháp quyền và thể chế kinh tế thị trường để đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân theo Hiến pháp, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, đồng thời khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

“Đây chính là những giải pháp chủ yếu, là động lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Tiếp tục gửi thông điệp về việc Việt Nam sẽ tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong khi đó, phát biểu khai mạc VDPF, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khẳng định, việc chú trọng đến cải cách thể chế như Việt Nam đang làm hiện nay là hoàn toàn đúng đắn và kịp thời.

“Là một nước thu nhập trung bình, trong vòng 5 năm tới, tại Việt Nam sẽ diễn ra đồng thời một số tiến trình quan trọng - xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đầu năm 2016. Đẩy là cơ hội ít có để chúng ta lên kế hoạch cho một đợt cải cách thể chế mới nhằm nâng cao năng suất, đẩy mạnh tăng trưởng - những điều mà Việt Nam đang rất cần”, bà Kwakwa nói.

Cũng theo khẳng định của bà Kwakwa, nếu các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội này, thì đó sẽ là nhân tố quan trọng giúp Việt Nam thành công với tư cách là một nước có thu nhập trung bình và giúp Việt Nam nhanh chóng đặt nền móng thực hiện hoài bão trở thành một nền kinh tế thu nhập cao.

Tin liên quan
Tin khác