Giới đầu tư cho rằng, quy trình này vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý.
. |
4 bước thực hiện dự án nhà ở thương mại
Câu chuyện rút gọn quy trình đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại tại TP.HCM không phải mới, đã được đưa ra tại nhiều cuộc họp, trong đó có buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố và các doanh nghiệp bất động sản hồi đầu năm.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tư pháp và Sở Tài chính để nghiên cứu rút ngắn quy trình đầu tư xây dựng theo đúng quy định của Luật Đầu tư và Luật Nhà ở.
Sau nhiều lần họp bàn, Sở Xây dựng đã tổng hợp và đề xuất, đối với những dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư chưa có quyền sử dụng đất ở hợp pháp sẽ được thực hiện theo quy trình 4 bước.
Bước 1, lập thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Thời gian thực hiện trong 35 ngày làm việc đối với dự án dưới 5.000 tỷ đồng và 53 ngày làm việc đối với dự án từ 5.000 tỷ đồng trở lên.
Bước 2, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, hoặc thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng. Thời gian thực hiện trong 75 ngày làm việc.
Bước 3, lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Sở Tài nguyên và Môi trường chưa đề xuất thời gian thực hiện.
Bước 4, xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư...
Đối với bước thứ tư này, Sở Xây dựng cho biết, nhà đầu tư được thực hiện song song các thủ tục để rút ngắn thời gian. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ, chỉ khi nhà đầu tư nộp tiền sử dụng đất và hoàn tất nghĩa vụ tài chính, các thủ tục còn lại mới được ký thông qua theo quy định. Nhưng khâu xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa bổ sung hoàn chỉnh theo chức năng nhiệm vụ.
Bình mới, rượu cũ?
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, quy trình thủ tục do Sở Xây dựng đề xuất có nhiều điểm bất hợp lý, nhất là nội dung “Bước 4”, vừa không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, vừa không phù hợp thực tiễn.
Theo ông Châu, phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính nêu trên. “Lấy ví dụ, một dự án nhà ở thương mại điển hình là dự án có công trình cấp I, quy mô dự án dưới 20 ha, tổng vốn đầu tư dưới 5.000 tỷ đồng, hoàn toàn thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố quyết định đầu tư. Áp dụng theo trình tự thủ tục do Sở Xây dựng đề xuất, thì thời gian thực hiện các thủ tục hành chính phải mất tới 247 ngày”, ông Châu nói.
Ngoài ra, ông Châu còn cho rằng, không thể thực hiện song song các thủ tục để rút ngắn thời gian, vì thực chất vẫn phải thực hiện tuần tự các thủ tục.
“Với nội dung Bước 4, quy định nhà đầu tư được thực hiện song song các thủ tục để rút ngắn thời gian. Nhưng Sở Xây dựng lại đề xuất, chỉ khi nhà đầu tư nộp tiền sử dụng đất và hoàn tất nghĩa vụ tài chính, các thủ tục còn lại sẽ được ký thông qua theo quy định”, ông Châu nói và lý giải thêm, cụm từ “chỉ khi” có nghĩa là nhà đầu tư vẫn phải thực hiện tuần tự các bước thủ tục, mà việc đầu tiên trong Bước 4 là phải “nộp tiền sử dụng đất và hoàn tất nghĩa vụ tài chính”, sau đó mới được thực hiện các bước thủ tục còn lại.
Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đồi, Giám đốc Công ty SSG cho rằng, thực tế rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gồng mình để thực hiện dự án. Quy trình thực hiện dự án 4 bước, 5 bước hay 6 bước không quan trọng, mà quan trọng là mất bao lâu để thực hiện các bước đó.
Doanh nghiệp luôn mong muốn được nộp tiền sử dụng đất càng nhanh càng tốt. Thực tế thì quy trình vẫn phải thực hiện, nhưng cần phải nhanh. Việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng thực hiên thủ tục sẽ giúp họ chủ động trong xây dựng kế hoạch kinh doanh, hạn chế tình trạng dự án treo.
“Các sở, ban, ngành thẩm định để cho doanh nghiệp đóng tiền sử dụng đất càng nhanh càng tốt, để doanh nghiệp có thể đi các bước tiếp theo trong việc thực hiện dự án”, ông Đồi kiến nghị.
Tương tự, theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành, thực chất quy trình mới không khác so với cũ, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đầy đủ các bước, chứ không giảm được thủ tục nào. Do đó, điều quan trọng là các sở, ngành tăng tốc độ giải quyết thủ tục.
“Vấn đề không phải quy trình bao nhiêu bước, mà là tổng thời gian giải quyết từng bước này trong bao lâu mới là điều các doanh nghiệp quan tâm. Làm sao để rút ngắn thời gian giải quyết các bước đó sớm nhất”, ông Nghĩa nói.