Thay đổi tư duy cải cách từ ngành thuế
Trước tiên, cần thay đổi quan điểm về doanh nghiệp của cơ quan thuế, phải thực sự coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, chứ không không phải đối tượng quản lý, hay nói cách khác, đặt doanh nghiệp là khách hàng mục tiêu của công tác quản lý thuế.
Khi doanh nghiệp được coi là trung tâm, thì mọi cơ chế hoạt động và các dịch vụ đi kèm sẽ được chuyên nghiệp hóa tối ưu, nhằm đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của doanh nghiệp một cách tốt nhất. Còn nếu doanh nghiệp “bị” coi là đối tượng quản lý, thì rất dễ dẫn đến những thiếu sót, hạn chế, thậm chí là tiêu cực trong công tác quản lý thuế.
Phiền hà lớn nhất mà họ gặp phải là các biểu mẫu hay thay đổi |
Công tác quản lý thuế được xây dựng trên các trụ cột cơ bản là thể chế chính sách, quy trình thủ tục, nguồn nhân lực và các ứng dụng công nghệ thông tin. Căn cứ vào các nền tảng này, thì một trong những tồn tại lớn hiện nay là việc chính sách thuế hay thay đổi, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc hoạch định kinh doanh.
Đa số doanh nghiệp cho biết, phiền hà lớn nhất mà họ gặp phải là các biểu mẫu hay thay đổi. Những phiền hà khác là việc cán bộ thuế yêu cầu cung cấp thêm nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết hoặc thời gian giải quyết quá dài; hoạt động thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo, gây tốn kém và khó khăn cho doanh nghiệp…
Theo khảo sát Bảng xếp hạng V1000 năm 2016 của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report-VNR), có đến 91% doanh nghiệp mong muốn thủ tục hành chính đơn giản hơn, 62% mong muốn ứng dụng công nghệ thông tin và 48% mong muốn có sự chuyển biến trong nghiệp vụ và ý thức của cán bộ thuế.
Đồng thời, theo Bảng xếp hạng V1000 và cuộc khảo sát Top 50 doanh nghiệp thành tựu xuất sắc năm 2016 thì những vấn đề phát sinh từ các quy định về thuế và hải quan vẫn là thách thức lớn đối với doanh nghiệp.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chính việc đặt lợi ích và nguyện vọng của doanh nghiệp lên hàng đầu đã giúp rất nhiều quốc gia cải cách thành công hoạt động quản lý thuế.
Nên đổi mới tư duy về cách vận hành thuế
Thay vì coi chức năng thuế là công việc thụ động, việc chủ động hơn trong quản lý thuế sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Xu hướng chuyên nghiệp hóa, mở rộng chức năng thuế của doanh nghiệp đang nhận được nhiều sự quan tâm của các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới, đặc biệt là các hãng kiểm toán lớn trên thế giới như Deloitte, PricewaterhouseCoopers (PWC), KPMG, Ernst and Young (E&Y).
Trong các báo cáo gần đây nhất, Deloitte và PWC đều nhận định rằng, việc chuyển đổi chức năng thuế sẽ là xu hướng tất yếu đối với các doanh nghiệp lớn, do sức ép của các yếu tố như toàn cầu hóa, sự gia tăng luật lệ và độ phức tạp trong kinh doanh, cạnh tranh gia tăng… Trong khi đó, một thực trạng đáng quan tâm ở Việt Nam hiện nay là công tác kê khai báo cáo thuế, quyết toán thuế cuối năm tại các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thường bị coi nhẹ hoặc được hiểu không hoàn toàn đúng của người quản lý.
Cánh cửa hội nhập đang rộng mở, cơ hội và thách thức là 2 vấn đề luôn song hành. Ở sân chơi lớn hơn này, khi những người chơi quốc tế đến và mang trong mình sự chuyên nghiệp hóa tối ưu và chiến lược vận hành thuế của mình, hơn bao giờ hết, cần một sự đổi mới mạnh mẽ hơn trong quản lý thuế và vận hành thuế từ cả 2 phía là Nhà nước và doanh nghiệp. Những thành công trong cải cách thuế những năm vừa qua là đáng ghi nhận, nhưng đáng hoan nghênh hơn nữa nếu sớm hoàn thiện “con đường” đổi mới hai chiều này để sẵn sàng đón những luồng gió hội nhập mới.