Với việc áp dụng cơ chế một cửa liên thông trong thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh trong ngành xây dựng đã được cải thiện đáng kể. Ảnh: Chí Cường |
Chờ hành động của Bộ Tư pháp
Bộ Tư pháp sẽ trở thành một trong những tâm điểm nắm giữ chìa khóa tạo nên sự đột phá của môi trường kinh doanh năm nay.
Nghị quyết 02/2019/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 đã giao Bộ Tư pháp các chỉ số có thể nói là khó khăn nhất. Theo đó, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp thực hiện (khi được ủy quyền) giải pháp cải thiện Chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng và Chỉ số Phá sản doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh (EoDB) của Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp phải tìm cách nâng thứ hạng của hai chỉ số này lên ít nhất 3 bậc trong năm 2019 và lên 8 - 15 bậc từ nay đến năm 2021. Ngoài ra, Bộ Tư pháp phải nâng Chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật lên ít nhất 2 bậc trong năm 2019 theo Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh (GCI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)…
Phải nói rõ, sau 5 năm thực hiện cải cách môi trường kinh doanh, tính từ phiên bản đầu tiên của Nghị quyết 19 vào năm 2014, hai chỉ số trên liên tục giảm điểm. Chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng giảm 15 bậc, hiện ở thứ hạng 62; Chỉ số Phá sản doanh nghiệp giảm 29 bậc, đứng thứ 133.
Vấn đề nằm ở chỗ, theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đây là hai chỉ số đặc biệt quan trọng đối với việc nâng cấp trình độ kinh tế thị trường của Việt Nam.
“Nếu không tập trung cải thiện hai chỉ số này, nếu chỉ loanh quanh bãi bỏ một số thủ tục, thì không thể vượt ngưỡng cần có để lọt vào ASEAN 4”, ông Cung thẳng thắn nói.
Thông tin trên khiến Hội nghị Đánh giá 5 năm thực hiện các nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn 2014 - 2018 và giới thiệu Nghị quyết 02/2019/NQ-CP do CIEM tổ chức hôm qua (22/1/2019) nóng lên. Càng nóng hơn, khi ông Cung chia sẻ thêm rằng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký hai công văn gửi sang Tòa án Tối cao đề nghị hợp tác.
Lâu nay, những khó khăn về thủ tục phá sản doanh nghiệp vẫn được xem là nguyên nhân dẫn đến tình trạng doanh nghiệp chết mà không chôn được. Tương tự, những tranh chấp hợp đồng kéo dài, không được giải quyết cũng tác động rất tiêu cực đến môi trường kinh doanh.
“Có thể hiểu đơn giản là, nếu 2 thủ tục này được xử lý nhanh chóng, cơ hội kinh doanh sẽ được chuyển từ người không làm được sang người làm được và mọi người trong cuộc có thể đóng lại một kế hoạch để đi làm việc khác. Đây là những quy luật của kinh tế thị trường. Hai chỉ số này đều thuộc trách nhiệm của Tòa án”, ông Cung thẳng thắn.
Sức nóng phải lan tỏa đều
Tất nhiên, sẽ không chỉ một mình Bộ Tư pháp phải “nóng”. Trong quý I/2019, các bộ, ngành được phân công sẽ phải xây dựng kế hoạch thực hiện (nhiệm vụ, giải pháp; cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện, thời gian hoàn thành…).
Đặt biệt, các bộ, ngành này phải xây dựng tài liệu hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương để có cách hiểu đúng, thống nhất về các bộ chỉ số, nhóm chỉ số, chỉ số thành phần, các mục tiêu, mẫu biểu báo cáo và cũng phải ban hành trong quý I/2019.
“Tài liệu hướng dẫn phải được công khai trên trang điện tử của các bộ, cơ quan để mọi người đều hiểu đúng và thực hiện được”, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM nhấn mạnh.
Yêu cầu này rất quan trọng vì một trong những hạn chế khiến các kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính của các phiên bản nghị quyết không tối ưu hiệu quả là sự phối hợp chưa chặt chẽ, chưa chủ động giữa các bộ, ngành với nhau; giữa các bộ, ngành với các địa phương và doanh nghiệp.
Thực tế, việc cải thiện thứ hạng của thủ tục liên quan đến cấp phép xây dựng trong giai đoạn 5 năm vừa rồi có sự tham gia của Bộ Xây dựng trong việc thống nhất cách hiểu.
Bà Thảo kể, Bộ Xây dựng đã mời các chuyên gia WB đến để nghe cụ thể cách tính toán chỉ số cấp phép xây dựng của WB, nên mới hiểu rằng, thủ tục này liên quan đến 10 bộ, chứ không phải chỉ một bộ là Bộ Xây dựng.
“Sau khi hiểu rõ cách thức tính toán, Bộ Xây dựng đã mời các chuyên gia sang hướng dẫn, nghiên cứu tiêu chí nào có dư địa để cải cách, sau đó tìm ra được giải pháp hữu hiệu. Chỉ riêng việc ghép thủ tục phòng cháy chữa cháy vào thủ tục thẩm định thiết đã tiết kiệm được rất nhiều thủ tục. Cũng phải thuyết phục để Bộ Công an đồng ý. Hiện tại, thủ tục này đang chạy tốt, không có vướng mắc như lo ngại trước đó”, bà Thảo nói.
Bộ Xây dựng cũng đang nổi lên là ngôi sao mới trong cải thiện môi trường kinh doanh khi áp dụng cơ chế một cửa liên thông trong thủ tục hành chính về xây dựng. Điều này lý giải vì sao 40% doanh nghiệp trong số 10.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá tốt, rất tốt Chỉ số Cấp phép xây dựng trong năm vừa rồi.
Vào thời điểm này, không còn chỗ cho các hành động cải cách mang tính hình thức.
Thứ hạng không đạt, phải xét trách nhiệm của người đứng đầu
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, kinh nghiệm thực hiện các phiên bản nghị quyết 19 cho thấy, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương nào vào cuộc, thì các chỉ số liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành đó được cải thiện nhanh chóng.
“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ, nếu chỉ số nào không đạt được yêu cầu là do trách nhiệm của bộ trưởng, thì phải xét trách nhiệm của người đứng đầu”, ông Cung nói.