Tin giả trở thành mối họa lớn, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang chung sức, chung lòng chống Covid-19 |
Tin giả lộng hành
Cùng với sự nguy hiểm của Covid-19, một loại virus cũng có sức tàn phá không kém là “virus tin giả”. Thời gian gần đây, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều cá nhân đã đưa ra những thông tin sai sự thật, giật gân, câu like, câu view trên các mạng xã hội, tạo tâm lý hoang mang và gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Mới đây nhất, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh “xác chết do Covid-19 tại TP.HCM”. Qua xác minh của cơ quan chức năng, bức ảnh trên được chụp tại Bệnh viện Myawaddy, một thị trấn ở Đông Nam Myanmar.
Cũng tại TP.HCM, tối ngày 21/7, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Vũ Điệp Anh (ngụ phường 19, quận Bình Thạnh) vì đã có hành vi đăng tin xuyên tạc, sai sự thật liên quan đến Covid-19 trên tài khoản Facebook cá nhân, gây hoang mang cho người dân. Trước đó, chiều 19/7, đối tượng trên đã đăng hình ảnh một người đàn ông trung niên tự thiêu, kèm bình luận: “Bức xúc vì cách thức chống dịch Covid-19, người dân phẫn uất ngay giữa đường bức bách, tự thiêu”. Sau khi xác minh, cơ quan chức năng khẳng định đây là tin giả.
Cũng trong tháng 7/2021, trên trang Facebook, website chính thức của Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), có đăng tải thông báo: “Nhận đặt trước tiêm dịch vụ vắc-xin AstraZeneca cho người dân từ 18 tuổi trở lên, có nhu cầu, với giá dự kiến là 1,5 triệu đồng/liều”. Thông tin này đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, tính đến trưa 15/7, đã có hơn 36.000 người trong và ngoài tỉnh An Giang đăng ký tiêm.
Văn phòng UBND tỉnh An Giang đã có thông cáo báo chí về việc xử lý hành chính đối với bệnh viện này do “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”. Tổng mức hình phạt là 50 triệu đồng, buộc đơn vị phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật.
Tại Hà Nội, trong tháng 5/2021, Sở Thông tin và Truyền thông đã phạt vi phạm hành chính đối với 6 chủ tài khoản Facebook vì có hành vi cung cấp thông tin giả mạo, sai sự thật về ý kiến phát biểu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong công tác phòng chống Covid-19.
Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), từ tháng 1/2021 đến nay, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (thuộc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) đã xác thực và công bố 33 tin giả, tin sai sự thật. Trong trường hợp không xác định được nhân thân của tổ chức, cá nhân vi phạm thì Bộ TT&TT gửi yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, YouTube, Facebook thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Mạnh tay hơn nữa với virus tin giả
Tin giả trở thành mối họa lớn, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang trong giai đoạn chung sức, chung lòng chống dịch bệnh. Vì thế, cần các biện pháp cứng rắn đấu tranh, ngăn chặn nạn tin giả.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng vừa gửi công văn tới các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng xã hội.
Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc, cùng số lượng lớn các video clip “tự phát” tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống, dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội. Bởi vậy, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại bộ, ngành, địa phương.
Khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật, cần chỉ đạo lực lượng công an, các lực lượng có liên quan kịp thời xác minh đối tượng phát tán tin giả, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ TT&TT để thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn. Trong trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, đề nghị phối họp với Bộ TT&TT, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn nội dung vi phạm trên không gian mạng.
TS. Nguyễn Ngọc Cương, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an đã theo dõi, giám sát trên 3.000 trang mạng có nội dung xấu, độc. Chủ động nắm tình hình, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình trên không gian mạng, xác minh, truy tìm, đấu tranh với đối tượng tán phát tin giả, tin sai sự thật. Đã yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ hơn 10.874 bài viết, video, đường dẫn có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam.
“Bộ Công an đã tổ chức chiến dịch truyền thông quy mô lớn, thông qua triển khai các hệ thống kỹ thuật để chủ động đăng tải thông tin lên không gian mạng, đồng thời phối hợp các cơ quan báo chí kịp thời cung cấp thông tin chính thống, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, răn đe đối tượng vi phạm pháp luật, nâng cao cảnh giác, sức “đề kháng” của người dân khi tham gia môi trường mạng”, ông Cương cho biết.
Còn theo ông Lê Ngọc Sơn, chuyên gia nghiên cứu truyền thông và quản trị khủng hoảng, để hạn chế tin giả cần có nhiều tin thật, tạo môi trường minh bạch thông tin và quản lý các mạng xã hội trên nền tảng một nhà nước pháp quyền. Về giải pháp kỹ thuật, truyền thông, Việt Nam cần bộ máy về truyền thông mạnh, có kỹ thuật, kỹ năng tốt để có thể cung cấp ngay lập tức những thông tin khẩn cấp cho người dân, giúp họ tránh bị điều hướng bởi thông tin giả, độc hại.
Thứ nhất, tăng cường năng lực báo chí chính thống để cung cấp thông tin kịp thời, lấy tin thật đẩy lùi tin giả.
Thứ hai, nâng cao nhận thức cho người dân để họ biết cách tránh bẫy thông tin, biết tìm kiếm thông tin từ nguồn chính thống, phân biệt được thật giả.
Thứ ba, khuyến khích người dân, doanh nghiệp khởi kiện khi lợi ích hợp pháp bị xâm phạm vì tin giả.
Thứ tư, thành lập các trung tâm chống tin giả với nhiệm vụ cung cấp thông tin nhanh, chính xác từ chính quyền.