Tính đến đầu tháng 9/2023, có 4 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đã thông xe, đưa vào khai thác. |
Khó khăn chưa có tiền lệ
“Ngành giao thông - vận tải (GTVT) đã có được những cẩm nang quý được rút ra từ quá trình triển khai thi công 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam vừa được đưa vào khai thác”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn Ninh Bình - Nghệ An, tổ chức tại TP. Thanh Hoá cuối tuần trước.
Cần phải nói thêm, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 bao gồm 11 dự án thành phần, với tổng chiều dài 654 km. Trong đó, có 8 dự án thành phần được đầu tư bằng hình thức đầu tư công và 3 dự án thành phần được đầu tư theo phương thức PPP.
Theo ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, tính đến đầu tháng 9/2023, các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đã thông xe, đưa vào khai thác 4 dự án thành phần, với chiều dài 171,85 km, tổng mức đầu tư 27.353 tỷ đồng.
Trong đó, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đưa vào khai thác tháng 2/2022; đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đưa vào khai thác tháng 4/2023 và 2 đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu đưa vào khai thác từ ngày 1/9/2023. Ba dự án thành phần khác cũng được thông xe trong giai đoạn này là Nha Trang - Cam Lâm; Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Tình hình thực hiện 3 dự án thành phần có kế hoạch đưa vào khai thác cuối năm 2023 và năm 2024
Dự án thành phần cầu Mỹ Thuận 2 (dài 6,01 km), kế hoạch hoàn thành tháng 12/2023. Lũy kế sản lượng đến nay đạt 92% giá trị hợp đồng, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Phần cầu dẫn đã cơ bản hoàn thành, phần cầu chính dây văng còn 3/16 đốt dầm, dự kiện hợp long ngày 15/10/2023, hoàn thành và thông xe ngày 31/12/2023.
Đối với 2 dự án thành phần PPP có kế hoạch hoàn thành năm 2024 (Diễn Châu - Bãi Vọt, dài 49,3 km; Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dài 78,5 km). Hiện tại, sản lượng hoàn thành đối với dự án Diễn Châu - Bãi Vọt đạt 50,6% giá trị hợp đồng và Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo đạt 72,9% giá trị hợp đồng.
“Việc hoàn thành cao tốc đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An, đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Nghệ An (Diễn Châu) chỉ còn 3 - 3,5 giờ, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa các tỉnh khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ”, ông Tiến cho biết.
Như vậy, tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ sau 3 năm, Bộ GTVT đã hoàn thành, đưa vào khai thác 649 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước lên 1.822 km.
Cũng như các dự án khác triển khai thời gian vừa qua, để 4 dự án cao tốc đi qua Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An khánh thành, thông xe đúng chỉ đạo của Chính phủ, các đơn vị thi công đã phải vượt qua nhiều thách thức, trong đó có những khó khăn chưa từng có tiền lệ.
Cụ thể, phần lớn thời gian thi công 3 dự án thành phần: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu rơi vào giai đoạn cả nước tập trung phòng chống đại dịch Covid-19 với nhiều thời điểm giãn cách xã hội, không thể huy động nhân sự, vận chuyển máy móc vào công trường.
Bên cạnh đó, khi các dự án bước vào giai đoạn thi công nước rút cũng là thời điểm xuất hiện “bão” giá vật liệu xây dựng, trong khi cơ chế điều chỉnh giá trong giai đoạn đầu chưa tiệm cận với thực tế đã khiến các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn về tài chính.
Đặc biệt, sự khan hiếm, thiếu hụt về khai thác, cung ứng nguồn vật liệu xây dựng thông thường như đất đắp, cát đã khiến nhiều thời điểm, hàng trăm dây chuyền thi công nền đường phải “đắp chiếu”, ngóng từng xe đất đắp, cát xây dựng.
Tại Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, qua khảo sát thực địa, đơn vị tư vấn đã lựa chọn đưa vào hồ sơ mời thầu 37 mỏ đất, đá, cát, bãi tập kết cát. Tuy nhiên, khi các nhà thầu bắt tay thi công, Dự án đã đối diện với tình trạng thiếu nguồn vật liệu đắp nền đường, khi chỉ có 17/37 mỏ cung cấp được vật liệu cho Dự án (tỷ lệ 46%). Tình trạng khan hiếm vật liệu thông thường càng trở nên căng thẳng sau khi Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn cũng đã bắt đầu triển khai thi công từ giữa năm 2021.
“Những khó khăn này đến cùng một thời điểm thực sự là thử thách chưa từng có đối với các đơn vị thi công chúng tôi", ông Nguyễn Hữu Tới, Phó tổng giám đốc Vinaconex cho biết.
Vượt nắng, thắng mưa
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, trước khó khăn chưa có tiền lệ nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt, sâu sát, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp, tháo gỡ khó khăn; đã ban hành nhiều nghị quyết với cơ chế đặc thù để giải quyết vướng mắc, khó khăn về nguồn vật liệu. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt, vượt qua mọi khó khăn, giải quyết dứt điểm các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình.
“Đây là những nền tảng quan trọng giúp các đơn vị thi công từng bước vượt qua khó khăn, kịp đưa tiến độ các dự án trở lại quỹ đạo dự kiến”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá.
Đối với ngành GTVT, từ Bộ trưởng đến các thứ trưởng và thủ trưởng các chủ đầu tư/ban quản lý dự án; các đơn vị tư vấn, các nhà đầu tư/nhà thầu thi công đã bám sát công trường theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng: “Đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, xác định trọng tâm, trọng điểm để phân bổ nguồn lực thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra”.
Trong vai trò là lực lượng chủ công, các nhà thầu đã vượt qua những khó khăn chưa từng có, linh hoạt điều chỉnh tiến độ thi công, tăng cường nhân lực, thiết bị, tài chính… tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” với tinh thần: nắng đủ thì thi công bê tông nhựa, mưa nhiều chuyển sang làm cầu, cống, hộ lan, biển báo. Thời tiết có thể bất lợi, nhưng sản lượng không thể không luỹ tiến.
“Tinh thần ấy, khí thế ấy, giải pháp linh hoạt ấy đã tạo nên đột phá ấn tượng tại các công trường”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, quá trình triển khai 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, đoạn Ninh Bình - Nghệ An để lại cho ngành GTVT những bài học kinh nghiệm quý.
Một là, cần bám sát thực tiễn, chủ động, kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc để đề xuất các giải pháp, các cơ chế, chính sách giải quyết theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính và các khâu trung gian, tập trung trách nhiệm, rút ngắn thời gian thực hiện.
Hai là, công tác giải phóng mặt bằng luôn là đường găng của các dự án. Do vậy, các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai đồng thời một số công việc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư, giao mỏ vật liệu, xác định bãi đổ thải, hạn chế tối đa việc bàn giao mặt bằng “xôi đỗ” gây khó khăn trong quá trình thi công.
Ba là, nhu cầu vật liệu đắp nền đường rất lớn, các địa phương cần chủ động có kế hoạch khai thác, cung cấp đủ nguồn vật liệu theo tiến độ thi công của dự án; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc vật liệu để đảm bảo chất lượng, quản lý chặt chẽ giá vật liệu, kiên quyết không để xảy ra các hiện tượng đầu cơ, nâng giá, ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng công trình.
Bốn là, các chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp điều kiện thực tế, huy động đầy đủ nhân lực, tài chính, máy móc - thiết bị hiện đại, tổ chức thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường.
“Từ những bài học, kinh nghiệm trong công tác tổ chức thi công, Bộ GTVT đang huy động toàn lực để phấn đấu đến cuối năm 2025, sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau và cả nước sẽ có 3.000 km đường bộ cao tốc”, Bộ trưởng Bộ GTVT chia sẻ.