Thời sự
Cảm nhận riêng về vị tướng kiệt xuất
Trần Thái Phương - 02/05/2014 07:45
() Qua hai chiến dịch đại thắng Điện Biên Phủ và Hồ Chí Minh, càng hiểu rõ vì sao Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ một người chưa từng qua trường lớp đào tạo về quân sự, lại trở thành người cầm quân lỗi lạc, kiệt xuất, đánh thắng hai kẻ thù lớn vào bậc nhất trong thế kỷ XX.
TIN LIÊN QUAN

I.

Ngay từ buổi phôi thai của cách mạng Việt Nam, Hồ Chủ Tịch, với con mắt thần kỳ của bậc thiên tài, đã nhìn nhận một cách chính xác tư chất bẩm sinh của vị tướng Võ Nguyên Giáp. Người tuyệt đối tin tưởng và quyết định giao cho ông sứ mệnh thiêng liêng cao cả - chỉ huy lực lượng vũ trang nhân dân.

   
 

Tướng Giáp được thế giới ngưỡng mộ vì tài năng quân sự kiệt xuất, dù chưa từng qua trường lớp đào tạo về quân sự

 

Từ một lực lượng non trẻ, sơ khai, ban đầu chỉ có 34 chiến sĩ, với trang thiết bị vũ khí thô sơ, tầm vông giáo mác, trong khoảng thời gian không dài, ở vào hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn, khó khăn, Ông cùng các đồng chí của mình đã xây dựng và phát triển một đội quân hùng mạnh, có khả năng tác chiến trong mọi địa hình, mọi hoàn cảnh bằng một ý chí sắt đá, lòng quả cảm, khát vọng giải phóng dân tộc mãnh liệt.

Chiến thắng Điện Biên Phủ và Chiến thắng 30/4/1975 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là hai trận đại thắng mang tầm vóc lớn trong lịch sử chiến tranh nhân loại. Bằng hai trận đánh vĩ đại này, lực lượng vũ trang do Ông xây dựng và phát triển cùng với nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo anh minh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã làm nên chiến thắng vĩ đại chưa từng có trong lịch sử dân tộc: giành độc lập tự do trọn vẹn cho Tổ quốc.

II.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người trực tiếp giao cho Ông nhiệm vụ cao cả và vinh quang chỉ huy quân đội. Nhưng nếu hiểu một cách sâu xa hơn, thì chính thời điểm của đất nước khi đó, chính lịch sử đã lựa chọn và đặt lên vai Ông trọng trách lớn lao, để từ đó, Ông luôn sát cánh bên người thầy tôn kính của mình, đưa dân tộc thoát khỏi kiếp lầm than nô lệ, làm nên những chiến thắng vĩ đại, thần kỳ mang tính nhân loại.

Với sự vĩ đại và tài thao lược dụng binh, khiển tướng, đặc biệt là trong những giờ phút cam go, thách thức quyết liệt nhất của thất bại và thành công, con người Ông như được kết tinh toàn bộ sức mạnh, trí tuệ và nghệ thuật quân sự kỳ tài của các bậc tiền nhân qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Những gì Ông đã làm, qua đường lối chiến tranh và nghệ thuật quân sự, chiến lược, chiến thuật và cách đánh trong từng trận, cho ta thấy, Ông đã sử dụng một cách khôn khéo, thông minh và rất nhuần nhuyễn chiến tranh nhân dân, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo…

Cuộc chiến đấu mà Ông là người chỉ huy đã huy động được tối đa sức người, sức của cả nước, lôi kéo, khích lệ được các lực lượng, ở mọi cương vị, mọi thành phần xã hội cùng tham gia. Đó là cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện rộng khắp, kết hợp lối đánh chính quy với cách đánh du kích, giữa hiện đại bài bản chủ lực và bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, giữa hậu phương và tiền tuyến…

Tất cả những gì tinh túy nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của ông cha dường như đã thấm đẫm và được kết tụ trong con người thông tuệ, ưu thời mẫn thế nơi Ông. Và trái tim yêu nước nồng nàn nhiệt huyết, một tấm lòng bao dung nhân hậu, tình yêu thương con người vô bờ bến có sẵn trong con người đã giúp Ông xây dựng thành công đội quân hùng mạnh. Một đội quân từ nhân dân mà ra, chiến đấu vì sự tồn vong của dân tộc, bách chiến bách thắng…

Một sự thật không thể chối cãi là thế kỷ XX đối với dân tộc ta là một thế kỷ đầy biến động, thăng trầm và phức tạp. Nhưng sau tất cả những gì đã xảy ra, lắng đọng sâu xa trong tiềm thức của nhân dân chính là Hồ Chí Minh và người học trò yêu quý của Người: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

III.

Có một vấn đề cần phải làm rõ. Trong cuốn sách của nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh người Mỹ, CecilB. Curey mang tên: Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá và mới đây nhất, trên tờ Wall Strect Jonrnol, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, đều rất trân trọng, ngợi ca tài năng quân sự lỗi lạc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng lại có ý cho rằng, Ông - Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Sẵn sàng chấp nhận tổn thất to lớn và sự tàn phá gần như hoàn toàn đất nước của mình để chiến thắng”. Điều này hoàn toàn sai sự thật, không đúng với thực tế cuộc chiến tranh mà Ông trực tiếp chỉ huy, không đúng với tầm vóc con người và nhân cách lớn lao của Ông…

Ở đây chỉ xin nêu ra một minh chứng hùng hồn về tính nhân văn cao cả có sẵn trong con người Ông tại trận đánh lớn Điện Biên Phủ. Ban đầu, theo phương án tác chiến được các cố vấn nước ngoài gợi ý là dùng chiến thuật biển người, “đánh nhanh, thắng nhanh”. Nhưng sau khi khảo sát thực địa, Ông nhận thấy điều kiện chưa cho phép, nếu “đánh nhanh, thắng nhanh” thì tổn thất vô cùng lớn, lực lượng quân ta sẽ bị dìm trong biển máu và chưa chắc đã giành được chiến thắng.

Vì lý do chắc thắng và bảo toàn lực lượng, không chấp nhận hy sinh bằng mọi giá cho chiến thắng, Ông đã quyết định chuyển từ đánh nhanh, thắng nhanh sang chiến thuật tiến chắc, đánh chắc. Với phương án này, thời gian chuẩn bị cho chiến dịch phải lùi lại, nhưng thay vào đó, sự hy sinh đổ máu giảm hẳn và tiến đến chiến thắng chắc chắn.

Theo tướng Hoàng Minh Thảo, trong từng trận đánh lớn nhỏ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều suy nghĩ, cân nhắc, tính toán rất sâu sắc. Ông dự đoán mọi tình huống và mọi giải pháp, thậm chí tính tới sự hy sinh của từng chiến sĩ, từng mũi tiến công để làm sao sự hy sinh ít nhất, nhưng mục tiêu cuối cùng dứt khoát phải đạt được là giành chiến thắng. Một vị tướng cầm quân mang trong mình một cái gốc văn hóa nhân văn như vậy, mới được nhân dân và bộ đội kính trọng, yêu thương và coi là vị tướng của mình…

IV.

Trong cuộc đời làm báo, viết văn của mình, tôi có may mắn được gặp gỡ và tiếp xúc với ông hai lần. Cả hai lần ấy đều cho tôi một cảm nhận về một con người trong đời thường sống rất giản dị, gần gũi, khiêm nhường. Từ phong cách đi lại, nói chuyện, mọi cử chỉ hành động của Ông toát lên tình cảm chân thành, đúng mực và hết sức coi trọng sự thật.

Khi nhắc đến những chiến công hiển hách lẫy lừng Điện Biên Phủ hay Chiến dịch Hồ Chí Minh, với trận đánh mở màn đầy mưu lược, thông minh khi Ông quyết định đánh vào Buôn Ma Thuột, Ông đều khẳng định: “Không có Hồ Chủ Tịch thì không có tôi, chiến thắng là chiến thắng của nhân dân, mình tôi không làm được gì…”.

Khi trả lời một phóng viên báo nước ngoài về chiến thuật, chiến lược của quân đội ta trong chiến tranh, Ông không ngần ngại trả lời: “Chiến lược của tôi là hòa bình, tôi là vị tướng của hòa bình…”.

Ông nói đại ý, nếu chỉ đơn thuần áp dụng một cách đánh hiện đại thuần túy, đối mặt nhau trên chiến trường thì với sức mạnh của các đội quân có trang bị vũ khí hàng đầu thế giới như Pháp và Mỹ thì đội quân của Ông chỉ cầm cự được hai giờ. Nhưng Việt Nam đã thắng. Chiến thắng này là chiến thắng của văn hóa, niềm tin, khát vọng hòa bình, tự do, độc lập; chiến thắng của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, bằng một ý chí sắt đá, quật cường sục sôi, không khuất phục, cho dù kẻ thù đó là ai, lớn mạnh thế nào…

Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã đi qua 60 năm, Đại thắng mùa Xuân 1975 đã lùi xa 39 năm, Đại tướng cũng đã về nơi vĩnh cửu, nhưng tên tuổi Ông vẫn mãi mãi sống trong lòng dân tộc. Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp, những cái tên đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp huy hoàng của dân tộc Việt hôm nay và mai sau…

TIN LIÊN QUAN
Hào khí Điện Biên, hào khí tháng Tư ngút trời đất việt
12 ngày đêm thức trắng của Tướng Giáp tại Điện Biên Phủ
Đức ‘Nhân’ trong đạo làm tướng của Võ Nguyên Giáp

Tin liên quan
Tin khác