Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Tọa đàm “Quản trị và tài chính cho chuyển dịch năng lượng công bằng” do Báo Đầu tư tổ chức diễn ra chiều nay (29/7) |
Số liệu ước tính của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam vừa mới công bố cho thấy, để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng “0”, dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040.
Nhu cầu đầu tư đầu tư sẽ tập trung lớn vào vào năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp.
Mục tiêu tham vọng của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về việc đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 vừa là thách thức, nhưng cũng mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam thu hút nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh việc triển khai thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hiện thực hóa các cam kết tại COP26.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 ngay sau đó đã được phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021. Gần đây, ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm “Quản trị và tài chính cho chuyển dịch năng lượng công bằng” do Báo Đầu tư tổ chức diễn ra chiều nay (29/7), ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho rằng, với mục tiêu trên cùng yêu cầu về quy mô rất lớn, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức liên quan, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội phải nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, hoạt động đã được xác định trong thời gian tới, trong đó chuyển dịch năng lượng công bằng và huy động nguồn lực tài chính để chuyển dịch cơ cấu năng lượng đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
“Tôi cho rằng, chủ đề của buổi Tọa đàm này có tính thời sự và có ý nghĩa hết sức sâu sắc đối với những vận động mau lẹ đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu và ở Việt Nam. Chuyển dịch năng lượng không đơn thuần là chuyển dịch giữa các loại hình công nghệ mà là sự thay đổi của cả nền kinh tế. Thế giới đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng, trong đó sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn "năng lượng xanh" được xem là điểm sáng nổi bật. Tuy nhiên, việc chuyển dịch năng lượng đòi hỏi một quy mô tài chính khổng lồ. Đối với các nước đang phát triển, việc định hình một mô hình quản trị và tài chính cho chuyển dịch năng lượng phù hợp với trình độ phát triển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng”.
Theo ông Lê Trọng Minh việc thống nhất một mô hình đối tác đạt được sự đồng thuận của các bên là giải pháp tháo gỡ nút thắt cho chuyển đổi năng lượng, vấn đề có tính toàn cầu cả về chính trị và kinh tế. Trong đó, Mô hình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) như một minh chứng tham khảo.
Toàn cảnh Tọa đàm “Quản trị và tài chính cho chuyển dịch năng lượng công bằng” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 29/7 |
Tọa đàm “Quản trị và tài chính cho chuyển dịch năng lượng công bằng” được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là xúc tác quan trọng để các đại biểu trong nước và quốc tế trao đổi, chia sẻ, đóng góp những ý tưởng thúc đẩy việc tìm kiếm một mô hình tối ưu cho Việt Nam cũng như cho các nước đang phát triển có trình độ tương đồng về huy động nguồn lực cho chuyển dịch năng lượng công bằng nói riêng và mục tiêu bao trùm về tăng trưởng xanh.
Đồng thời, trong bối cảnh thị trường vốn của Việt Nam vẫn còn quá nhỏ và số lượng các công cụ tài chính có sẵn hạn chế, thảo luận tại tọa đàm dự kiến cũng sẽ phân tích và đưa ra những khuyến nghị nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn và khơi thông dòng chảy tài chính để quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng đạt được mục tiêu đề ra.