Tài chính - Chứng khoán
Cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng
Vân Linh - 17/04/2022 08:27
Chính phủ thể hiện tầm nhìn xa trong phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia thị trường này cũng cần tránh vì lợi ích ngắn hạn mà xem nhẹ lợi ích lâu dài.

Tầm nhìn xa

Ngày 7/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và đấu giá quyền sử dụng đất. Trước đó, cuối năm 2021, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu rà soát, kiểm tra và xử lý, chấn chỉnh những biểu hiện chệch hướng trên thị trường TPDN.

Những biểu hiện chệch hướng có ở những trường hợp vi phạm bị phát hiện, những yếu tố rủi ro tiềm ẩn và cả dấu hiệu có động cơ “đánh quả”, “tranh thủ”, mà xem nhẹ lợi ích phát triển bền vững cho lâu dài.

Trong công điện ngày 7/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Thị trường TPDN là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng…”.

Phát triển cân bằng là tầm nhìn cho lâu dài, bởi cho đến nay, kênh dẫn vốn cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng.

Tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã ở mức cao. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), con số đến cuối năm 2020 lên tới 146% theo GDP hiện hành, 115,8% theo GDP đánh giá lại. Trong khi đó, qua 2 năm đại dịch, tăng trưởng GDP đã có quãng chùng xuống, khiến mẫu số cho cân đối này có phần chênh lệch hơn.

Trong bối cảnh đó, thị trường TPDN phát triển mạnh mẽ những năm gần đây. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) công bố ngày 21/3, tổng lượng TPDN lưu hành tại cuối năm 2021 ước khoảng 1,39 triệu tỷ đồng, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm trong giai đoạn 2017-2021. Quy mô thị trường TPDN tăng mạnh từ 4,93% GDP (2017) lên tới 16,6% GDP (2021).

“Dù kênh tín dụng vẫn là kênh huy động vốn chính của các doanh nghiệp, nhưng kênh chứng khoán đang tăng tốc mạnh mẽ, quy mô thị trường cổ phiếu và TPDN tăng nhanh từ mức 68% (2020) lên mức tương đương 88% (2021) so với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Sự tăng trưởng này phù hợp với định hướng phát triển thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng của cơ quan quản lý”, báo cáo của SSI đánh giá.

Như vậy, thị trường TPDN Việt Nam đang ngày càng phát huy vai trò quan trọng mà Thủ tướng nhấn mạnh ở trên, tạo cấu phần ngày một lớn hơn để cùng thị trường vốn hướng tới cân bằng với thị trường tiền tệ và tín dụng. Song, đà phát triển này cần đi cùng với minh bạch, an toàn và bền vững, phát triển về lượng đi cùng với chất.

Triển vọng năm 2022 và các năm tới đây sẽ chỉ có thể được duy trì nếu những tác động từ sự kiện trên và các thay đổi chính sách mới sẽ không tạo ra các hiệu ứng dây chuyền - tức là các doanh nghiệp có vấn đề sẽ được khu trú và xử lý, thay vì đưa ra những biện pháp cứng rắn áp dụng cho cả ngành.

Với thị trường TPDN

Tại công điện trên, Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, hoạt động phát hành TPDN có những vi phạm pháp luật. Thực tế, các cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vào cuối năm 2021 đầu năm 2022, đặc biệt là quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan ngày 5/4.

Theo lãnh đạo của một ngân hàng thương mại, thị trường TPDN Việt Nam những năm gần đây đã có bước phát triển vượt bậc, thể hiện ở giá trị quy mô dẫn vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là giá trị vốn quý ở việc hình thành được một lực lượng nhà đầu tư dày dặn hơn, gồm các nhà đầu tư cá nhân.

Tuy nhiên, trong sự phát triển vượt bậc đó, bên cạnh các rủi ro tiềm ẩn về vi phạm quy định pháp luật, một “dạng rủi ro” khác là có hiện tượng “tham bát bỏ mâm” như một động cơ đánh quả và tranh thủ đà phát triển mới của thị trường.

“Nếu xem thị trường TPDN là một tài nguyên, nếu ‘đánh quả’ với tầm nhìn ngắn hạn, tranh thủ tận thu, nhất là tận thu niềm tin của nhà đầu tư, mà thiếu tầm nhìn dài hạn là bảo vệ thị trường chung, thì chính doanh nghiệp - các nhà phát hành gây ảnh hưởng tiêu cực  tới chính mình”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nêu quan điểm.

Cũng theo vị này, thị trường vốn hay thị trường tài chính tiền tệ, tín dụng nói chung trong quá trình phát triển luôn có yếu tố rủi ro. Trong đó, có những trường hợp gian dối, vi phạm pháp luật… Nhưng điều này không có nghĩa đánh đồng đó là hạn chế chung của thị trường.

Quan ngại trên có từ thực tế tâm lý nhà đầu tư trên thị trường hiện nay như mở rộng ra tất cả doanh nghiệp phát hành. Năm 2021, theo dữ liệu của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), có tới 243 doanh nghiệp lần đầu phát hành TPDN và sự dè chừng có ở những nhân tố mới này.

Các chuyên gia phân tích tài chính cho rằng, tại các thị trường phát triển, có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn doanh nghiệp phát hành TPDN, dĩ nhiên có những trường hợp vi phạm. Khi phát hiện qua rà soát, chính sách và cơ quan quản lý có chế tài đủ mạnh, thích đáng để các nhà phát hành khác nhìn vào như một sự răn đe có sức nặng.

Tại thị trường Việt Nam, với những trường hợp bị xử lý vừa qua, đặc biệt là qua quyết định khởi tố vụ án tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, tính răn đe cho thấy sự mạnh mẽ và cụ thể. Đây chính là một miếng ghép quan trọng, cần thiết để củng cố tính bền vững, giá trị thị trường TPDN cho tương lai.

Tin liên quan
Tin khác