Tại phiên họp ngày 31/5 của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đại biểu quốc hội Thạch Phước Bình, Trà Vinh cho rằng, hiện chi phí cho thuốc lá ở Việt Nam chiếm 1% GDP, đây là tỷ lệ rất lớn.
Ảnh minh hoạ. |
Theo thống kê, có khoảng 15,6 triệu người trưởng thành sử dụng thuốc lá, chiếm 22,5%, là nước có người sử dụng thuốc lá đứng thứ 15 trên thế giới.
Xu thế sử dụng thuốc lá ngày càng gia tăng, người sử dụng thuốc lá trong giới trẻ rất nhanh, hình thức sử dụng thuốc lá mới như thuốc lá điện tử ngày càng phổ biến. Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong một năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Tổ chức Y tế Thế giới dự báo đến năm 2030 sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong một năm nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá không hiệu quả.
Hàng năm, Tổ chức Y tế Thế giới đã thống kê tỷ lệ tử vong do thuốc lá là 8 triệu người, có thêm 1 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Nước ta cứ 7 người thì có 1 người tử vong do thuốc lá gây ra.
Bên cạnh đó, cũng theo WHO, có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: Đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi.
Đây đều là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Trong đó, theo nghiên cứu của Bệnh viện K, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%, số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân quan trọng, đó là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao, đặc biệt thuốc lá thế hệ mới chứa nhiều chất độc như thuốc lá truyền thống, trong đó, thuốc lá điện tử cũng tạo nồng độ nicotin cao và phụ thuộc vào thiết kế, cách sử dụng.
Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Chính phủ phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để có thể đạt được mục tiêu giảm thiểu sử dụng thuốc lá 30% tương đối vào năm 2030, so với tỷ lệ của năm 2015.
Song song đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Chính phủ cần có tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 để phát huy kết quả đạt được cũng như khắc phục những bất cập, hạn chế nếu có.
Để ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử đang hoành hành, theo bà Phan Thị Hải, Phó giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Quỹ mong có sự chung tay của các Bộ, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể. Đặc biệt, các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; các cơ quan, đơn vị cần Kịp thời có các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm này tại các cơ quan, công sở, các cơ sở giáo dục đào tạo;
Theo bà Hải, thời gian tới, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc truyền thông về tác hại của thuốc lá. |
Các lực lượng chức năng trong phạm vi thẩm quyền của mính tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha.
Trong thời gian tới, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc truyền thông về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử; Tăng cường thực thi quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng;
Tăng cường phối hợp liên ngành để đảm bảo hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá được triển khai toàn diện tại các cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính.
Trước đó, nói về tác hại thuốc lá, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới và công tác phòng chống tác hại thuốc lá đang gặp phải những khó khăn, thách thức.
Nếu như tỷ lệ người hút thuốc lá truyền thống giảm, thì số người hút thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, nung nóng, shisa) lại có xu hướng gia tăng.
Đáng chú ý, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá nung nóng”, vì vậy các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam, nhưng thực tế việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, nhất là trên môi trường mạng internet.
Nếu không tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá và kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại.
Khi đó các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng thuốc lá mới cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá truyền thống; gây khó khăn trong việc đạt được mục tiêu của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỷ lệ hút thuốc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là những sản phẩm mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây, bằng chứng khoa học về độc tính và ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của các sản phẩm này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu.
Tuy nhiên, đã có nhiều nghiên cứu bước đầu chỉ ra hậu quả đối với sức khỏe của việc sử dụng và tiếp xúc thụ động với “sol khí”, khói của các sản phẩm này.
Thời gian gần đây, tại Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hà Nội… đã ghi nhận một số trường hợp ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử phải nhập viện cấp cứu. Hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó có cả nữ giới.
Tổ chức Y tế Thế giới nêu rõ, không có sản phẩm thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, vẫn là sản phẩm gây nghiện.
Theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế thì lệ thuộc nicotine được phân loại mã bệnh 6C4A.2, là một bệnh thuộc loại rối loạn do sử dụng chất kích thích hoặc các hành vi gây nghiện.
Hiện đã có ít nhất 34 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử; có 7 quốc gia cho phép nhưng áp dụng quy định quản lý chặt chẽ và chưa có sản phẩm nào được cấp phép lưu hành. Trong khu vực ASEAN cũng đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là: Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.
Để giảm số người chết sớm do thuốc lá cũng như đạt mục tiêu giảm 30% tỷ lệ hút thuốc vào năm 2030, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho rằng, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Một ưu tiên rất cao là tăng thuế và giá thuốc lá vì giá thuốc lá ở Việt Nam hiện thuộc loại rẻ nhất trên thế giới.
Điều này khiến những người trẻ tuổi dễ tiếp cận và dễ bắt đầu hút thuốc. Giá thuốc lá thấp cũng làm cho việc bỏ thuốc của những người đang hút thuốc trở nên khó khăn hơn.
Các bộ, ngành liên quan có những giải pháp ngăn chặn, kiểm soát việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới. Sản phẩm này vẫn được bán trên thị trường và quảng cáo theo những cách thức gây hiểu lầm đối với những người trẻ tuổi.
Đồng thời đẩy mạnh truyền thông cảnh báo mọi người, ở mọi lứa tuổi về tác hại nghiêm trọng mà việc sử dụng thuốc lá có thể gây ra cho các cá nhân và gia đình và gánh nặng chi phí đáng kể mà việc này đặt lên các hộ gia đình và hệ thống y tế.
Tổ chức Y tế thế giới khẳng định, không có sản phẩm thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine.
Theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế thì lệ thuộc nicotine được phân loại mã bệnh 6C4A.2 là một bệnh thuộc loại rối loạn do sử dụng chất kích thích hoặc các hành vi gây nghiện. Nicotine còn là chất độc hại, gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa...
Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol. Propylene glycol có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin khi được đun nóng và hóa hơi tạo thành acrolein, gây gây khô miệng và viêm đường hô hấp trên.
Để làm cho sản phẩm dễ chịu hơn, dễ hít vào hơn và tạo mùi vị hấp dẫn, thu hút người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, các nhà sản xuất còn sử dụng rất nhiều loại hương liệu có mùi vị như: bạc hà, táo, cam, chanh….trong thuốc lá điện tử.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 20,000 loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe.
Trong báo cáo tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung lần thứ 6 và 7 (COP7) đã nêu: “tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe Việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của thuốc lá nung nóng.
WHO kêu gọi các quốc gia cần ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả được quy định trong Công ước khung thay vì sử dụng các sản phẩm mới được quảng cáo là ít có hại.