Đầu tư
Cần cân bằng trách nhiệm của các chủ thể tại các dự án PPP
Bảo Như - 07/05/2020 08:17
Các hợp đồng thực hiện các dự án PPP trong thời gian tới cần được ký kết và thực hiện giữa đối tác tư nhân và chính quyền trên vị thế bình đẳng, đặc biệt là khi phát sinh các tranh chấp.
Cộng đồng các nhà đầu tư đang đặt nhiều kỳ vọng vào dự thảo Luật PPP sắp được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 để có thêm nhiều dự án PPP thành công như sân bay Vân Đồn.

Sáng nay (6/5), tại Hà Nội, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tổ chức cuộc Tọa đàm “Góp ý Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư - PPP”.

Theo ông Trần Chủng – Chủ tịch VARSI , dự thảo Luật PPP đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét và chuẩn bị trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2020. Trong suốt thời gian qua, đã có nhiều đợt góp ý kiến và dự thảo đã được hoàn thiện hơn nhiều so với trước đây.

“VASRI coi mình là một trong những đối tượng bị điều chỉnh của Luật này nên việc tham gia góp ý không những là quyền mà còn là nghĩa vụ của Hiệp hội”, ông Chủng cho biết.

Mặc dù vậy, lãnh đạo VARSI cho rằng, dự thảo Luật PPP vẫn còn một số nội dung liên quan đến các chủ thể, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể với tài sản là công trình của dự án, những vướng mắc, tranh chấp, xử lý sai phạm chưa được nêu một cách thấu đáo, do đó, rất cần được tiếp tục nghiên cứu, thảo luận làm rõ.

Góp ý vào dự thảo Luật PPP, bà Vũ Thị Hằng, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam quan tâm đến cơ chế giải quyết tranh chấp trong hợp đồng PPP. Bà Hằng đánh giá những điều khoản trong dự thảo Luật PPP đã quy định rất rõ ràng cụ thể về mặt chủ thể, đối tượng tranh chấp và hình thức giải quyết tranh chấp tương ứng. Đây là một điểm rất đáng ghi nhận khi dự thảo không chỉ tiếp thu tinh thần về giải quyết tranh chấp đầu tư từ các văn bản pháp luật về đầu tư trước đây mà còn làm rõ hơn cũng như khắc phục được những điểm chưa phù hợp. “Tuy nhiên, dự thảo vẫn còn một số quy định chưa rõ ràng, chưa phù hợp với chính sách chung đối với nhà đầu tư theo Luật Đầu tư 2014. Về vấn đề này, quan điểm của chúng tôi là nhà đầu tư hoạt động theo hình thức đầu tư PPP cũng được coi là nhà đầu tư theo Luật Đầu tư 2014 và do đó cũng chịu sự điều chỉnh của luật này. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư “có vốn nước ngoài”, quy định của Luật Đầu tư PPP không nên quá khác so với Luật Đầu tư 2014”, bà Hằng cho hay.

Chia sẻ quan điểm này, ông Phạm Minh Đức, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, một dự án PPP đảm bảo chất lượng, được nghiệm thu và đưa vào vận hành khai thác có hiệu quả hay không thì vấn đề giám sát thực hiện hợp đồng dự án luôn phải được đặt ra và coi trọng cả từ hai phía trong hợp đồng.

Ông Đức cho rằng, dù Hợp đồng PPP với nhiều loại Hợp đồng khác nhau như Hợp đồng BOT, Hợp đồng BT, Hợp đồng BOO…. nhưng vẫn luôn tồn tại hai bên trong hợp đồng có quyền và nghĩa vụ với nhau nhằm thực hiện dự án. Để hoàn thành dự án thì việc giám sát thực hiện hợp đồng luôn phải xuất phát từ hai phía của hợp đồng để đảm bảo sự công bằng và quyền lợi của cả hai đồng thời tránh được cơ chế xin cho hiện nay.

Lãnh đạo doanh nghiệp đang là nhà đầu tư nhiều dự án BOT giao thông lớn với quy mô hàng chục ngàn tỷ đồng cho biết các quy định hiện hành và dự thảo luật (Điều 51, Điều 52 Nghị định 63/2018; Điều 61, Điều 67 dự thảo Luật PPP) đều đang quy định quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát việc tuân thủ các nghĩa vụ của NĐT, doanh nghiệp dự án theo quy định tại hợp đồng dự án” mà không nhắc đến việc Doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư cũng có quyền giám sát việc thực hiện các nghĩa vụ của cơ quan ký hợp đồng trong hợp đồng dự án – một bên của hợp đồng dự án.

Thực tế hiện nay, việc thực hiện nghĩa vụ một bên trong hợp đồng dự án của cơ quan ký hợp đồng chưa được đảm bảo một cách nghiêm túc theo quy định của hợp đồng dự án.

“Điển hình như việc phối hợp với nhà đầu tư điều chỉnh dự án (tổng mức đầu tư, phương án tài chính…) khi có những biến động của tình hình kinh tế, xã hội, chính sách pháp luật…. thì doanh nghiệp dự án đang phải thực hiện việc thay đổi đó với cơ quan nhà nước có thẩm quyền như cơ chế xin cho mà không phải cơ chế đàm phán, phối hợp giải quyết vấn đề”, ông Đức nêu quan điểm.

Với tư cách là Trọng tài viên VIAC, Luật sư Nguyễn Tiến Lập đặc biệt quan tâm tới việc xử lý các tranh chấp phát sinh trong việc thực hiện hợp đồng PPP.

Vị luật sư này cho rằng, thực chất để triển khai thành công cơ chế PPP nói chung và các dự án PPP nói riêng, vấn đề không nằm ở khung pháp luật về PPP, bởi linh hồn của PPP chính là các thoả thuận và hợp đồng giữa các bên liên quan. Ông Lập nhấn mạnh, Hợp đồng dự án mới là luật thực chất của PPP, đặc biệt là Hợp đồng nhượng quyền được ký giữa đối tác tư nhân với chính quyền trên vị thế bình đẳng như nhau, bởi khi có tranh chấp xảy ra thì cơ quan tài phán trước hết căn cứ vào các hợp đồng ấy và cơ quan nhà nước không được hưởng quyền miễn trừ tố tụng.

“Đây là điều rất có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang bị ràng buộc bởi rất nhiều các điều ước quốc tế và khi dự án PPP có nhà đầu tư nước ngoài tham gia”, ông Lập khẳng định và cho biết thêm là dự thảo Luật PPP cần ràng buộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi hợp tác với tư nhân, đặc biệt là việc từ bỏ các quyền miễn trừ kiện tụng, trong khi để bảo vệ lợi ích của tư nhân (vốn là bên không có vị thế bình đẳng với nhà nước) thì các thoả thuận trong hợp đồng mới là công cụ chính yếu có hiệu lực như luật.


Tin liên quan
Tin khác