Dệt may là ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch viêm đường hô hấp cấp, vì phần lớn nguyên liệu đều nhập từ Trung Quốc. |
Dệt may bị ảnh hưởng nhiều
Trong thống kê hải quan, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 75,45 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (12,1 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (14,89 tỷ USD), điện thoại các loại và linh kiện USD (7,57 tỷ USD), hay khối các mặt hàng phục vụ cho may mặc cũng có tỷ lệ nhập khẩu từ đây với vải (7,7 tỷ USD), xơ sợi dệt các loại (1,1 tỷ USD), nguyên phụ liệu cho dệt may da giày (2,45 tỷ USD); sản phẩm chất dẻo và nguyên liệu chất dẻo (gần 4 tỷ USD), hay hóa chất và các sản phẩm hóa chất (3,1 tỷ USD)…
Như vậy, với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc chiếm khoảng 28% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước, trong đó có nhiều mặt hàng là nguyên phụ liệu, phục vụ cho hoạt động sản xuất, thì việc các doanh nghiệp Việt Nam bị tác động không phải là nhỏ.
Tại Báo cáo Đánh giá tác động của dịch virus Corona tới các nhóm ngành được Công ty cổ phần Chứng khoán SSI công bố mới đây cho thấy, dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực. Nguyên do, Trung Quốc là thị trường cung cấp vải nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam. Mặc dù không có tác động trực tiếp đến nhu cầu các sản phẩm may mặc, vì hầu hết các công ty may mặc trong nước không xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng do nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc đóng cửa trong tháng 1 và tháng 2, nên đầu vào sẽ bị ảnh hưởng.
Nhiều ngành tỏ ra lo ngại
Dầu thô cũng được xem là mặt hàng có tác động nhanh nhạy với ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp, khi các hãng hàng không hủy bỏ các chuyến bay tới Trung Quốc. Không chỉ giảm tiêu thụ xăng cho máy bay, việc kéo dài thời gian nghỉ việc của nhiều doanh nghiệp lớn tại Trung Quốc so với kỳ nghỉ Tết thông thường đã khiến giá dầu thế giới ảnh hưởng. Giá dầu thế giới ngày 3/2 vẫn tiếp tục đà giảm xuống ở tuần thứ 4 liên tiếp. Dầu thô Brent hiện ở mức 56,19 USD/thùng, trong khi ngày 3/1/2020 ở mức 68,6 USD/thùng. Dầu thô WTI cũng chỉ còn 51,43 USD/thùng của Mỹ, giảm mạnh so với mức 63,05 USD thùng ngày 3/1/2020.
Tuy dầu thô hiện chỉ chiếm chưa tới 10% ngân sách nhà nước tại Việt Nam, nhưng với việc giá dầu thế giới bị ảnh hưởng, nguồn thu ngân sách cũng bị tác động nhất định. Theo ước tính của TS. Nguyễn Hồng Minh, Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, khi giá dầu thay đổi 1 USD/thùng, lợi nhuận của ngành dầu khí ảnh hưởng tương ứng khoảng 570 tỷ đồng.
Ở khía cạnh khác, do sản xuất tại công xưởng thế giới suy giảm, khiến chuỗi sản xuất của thế giới nói chung, cũng như của không ít doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng do thiếu nguyên liệu đầu vào, nên việc tận dụng lợi thế của giá xăng dầu giảm cũng không được là bao trong hoạt động logistics và sản xuất.
Có vẻ chưa chịu tác động nhiều bởi dịch viêm đường hô hấp cấp là ngành điện. Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), tiêu thụ điện của hệ thống vẫn giữ nhịp tăng trưởng như dự báo. Với thực tế đang trong giai đoạn đổ ải, tận dụng tối đa lượng nước từ thủy điện, trong khi nước về thực tế ít, chuyện tăng tỷ trọng phát điện chạy dầu được cho là sẽ tăng mạnh sau thời gian đổ ải, tức là ngay đầu tháng 2 này.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện một số doanh nghiệp ô tô cũng cho hay, đang rất thận trọng nghiên cứu tình hình trước khi đưa ra kế hoạch mới cho năm 2020 trước tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp. Năm 2019, thị trường ô tô Việt Nam cũng chỉ tăng trưởng khoảng 10%, chứ không phải là 20-30% như sự hào hứng dự báo hồi đầu năm. Trước khi có dịch viêm đường hô hấp cấp, dự báo mức tăng trưởng bán hàng của thị trường ô tô cũng mới chỉ là 8-10% cho năm 2020.