Sau hơn 20 năm phát triển, thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh, số lượng sản phẩm đăng ký mới hàng năm có thể lên tới con số chục nghìn, trên 70% là sản phẩm sản xuất trong nước. Người biết và sử dụng thực phẩm chức năng tăng lên trên 60%.
Ngày nay, người tiêu dùng có thể tìm mua các sản phẩm thực phẩm chức năng ở nhiều nơi, từ cửa hàng, siêu thị, các nhà thuốc, các shop online, các website hoặc mạng xã hội của chính các công ty phân phối. Sự quan tâm của người tiêu dùng tới hiệu quả của thực phẩm chức năng tăng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường này cũng kéo theo nhiều vấn đề, đặc biệt là tình trạng quảng cáo sai sự thật. Các quảng cáo thực phẩm chức năng với những tuyên bố không có căn cứ khoa học, thậm chí lừa dối người tiêu dùng, đang trở thành một vấn nạn nghiêm trọng.
Tràn lan các quảng cáo sai sự thật, "thần kỳ" hoá công dụng của thực phẩm chức năng trên nền tảng Youtube. |
Nhiều công ty sản xuất và phân phối thực phẩm chức năng đã sử dụng các chiêu trò quảng cáo sai sự thật để thu hút khách hàng. Họ thường đưa ra những tuyên bố "thần kỳ" về công dụng của sản phẩm, như chữa bách bệnh, cải thiện nhanh chóng sức khỏe hay làm trẻ hóa cơ thể.
Thậm chí, một số quảng cáo còn mạo danh các chuyên gia y tế, sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng hoặc các kết quả nghiên cứu không có thật để tăng tính thuyết phục. Những hành vi này không chỉ gây ra sự hiểu lầm cho người tiêu dùng mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhận định vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật là vấn đề nhức nhối trong cộng đồng suốt thời gian qua, mặc dù đã đưa ra nhiều biện pháp nhưng chưa đủ mạnh để triệt “tận gốc”.
Ông Lâm cho rằng việc quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay không chỉ nằm ở đơn vị phát hành quảng cáo, những nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook mà còn cả trí tuệ nhân tạo, các thuật toán… Đây là những khó khăn đặt ra trong việc quản lý, xử lý và cảnh báo người tiêu dùng.
Theo ông Lâm, để kiểm soát được những nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, cần chú ý đến không gian mạng. “Hiện nay, đã có nhiều biện pháp xử lý đối với những tên miền, doanh nghiệp vi phạm về quảng cáo như chặn tên miền quốc tế hoặc xử phạt trong nước.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nêu ý kiến tại Toạ đàm. (Ảnh: Nguyễn Linh) |
Bên cạnh đó, chúng ta có thể xếp hạng theo chuẩn mực đạo đức trong lĩnh vực quảng cáo. Song song với đó là thống kê, phát hiện xử phạt vi phạm, cần cho những nhãn hàng vi phạm vào "danh sách đen" để cảnh báo đến các đơn vị hợp tác và cả người tiêu dùng. Những doanh nghiệp nào nằm trong danh sách này sẽ dễ dẫn đến rủi ro, khủng hoảng nhãn hiệu", ông Lâm nói.
Nhằm ngăn chặn, bài trừ các quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, tại Toạ đàm “Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng”, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đã ban hành quyết định quy chế đạo đức quảng cáo thực phẩm chức năng. Các hội viên của hiệp hội phải thực hiện những quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho hay, Hiệp hội đang đề xuất hình thức "đèn xanh - đèn đỏ", với màu xanh là các sản phẩm không vi phạm các quy định, trong đó có quảng cáo, sẽ được hiệp hội khuyến nghị sử dụng. Còn sản phẩm "đỏ" là sản phẩm vi phạm, sẽ được cảnh báo cần thận trọng khi sử dụng.
“Đối với những doanh nghiệp quảng cáo mà không có giấy tiếp nhận quảng cáo, kể cả nội dung không sai phạm vẫn là vi phạm.
Còn đối với những doanh nghiệp đã có giấy tiếp nhận quảng cáo, nhưng quảng cáo không đúng với nội dung xin cấp phép cũng là vi phạm. Những danh sách vi phạm này có thể công khai trên nhiều nền tảng để cảnh báo người dân.”, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam nêu rõ.
Không riêng doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức và kỹ năng nhận biết các quảng cáo sai sự thật, nên tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, tham khảo ý kiến chuyên gia y tế trước khi quyết định sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giám sát quảng cáo cũng là một giải pháp hiệu quả. Các công cụ phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo có thể giúp phát hiện nhanh chóng và chính xác các quảng cáo sai sự thật, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời.
Chỉ khi có sự đồng lòng và hành động quyết liệt của các cơ quan chức năng mới có thể đẩy lùi vấn nạn quảng cáo sai sự thật, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.