Sau 10 năm, KKT Chân Mây – Lăng Cô đã thu hút và cấp phép cho 35 dự án với tổng vốn 35.682 tỷ đồng, trong đó, 15 dự án đã đi vào hoạt động, 16 dự án khác đang trong quá trình triển khai. Tính đến tháng 9/2015, địa bàn KKT có 92 doanh nghiệp đang hoạt động, tổng vốn điều lệ đăng ký ước đạt 5.398 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động; tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt 2.879 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.140 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quê, Trưởng Ban quản lý KKT Chân Mây - Lăng Cô cho biết: “Năm 2015, Ban quản lý KKT đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án, điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 1 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt 8.739 tỷ đồng. Trong số đó có những dự án lớn như dự án xây dựng Bến số 3 - Cảng Chân Mây của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế với vốn đầu tư đăng ký là 846 tỷ đồng, Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô của Công ty TNHH Tập đoàn Lu’s World Shine (Cộng hòa Seychelles) với vốn đăng ký 7.728 tỷ đồng”.
Sau 10 năm, KKT Chân Mây – Lăng Cô đã thu hút và cấp phép cho 35 dự án với tổng vốn 35.682 tỷ đồng |
Cũng theo ông Quê, Ban quản lý KKT đã cung cấp thông tin cho một số nhà đầu tư nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư tại Khu kinh tế như Công ty PNG Corporation (Hàn Quốc), Công TNHH Phát triển ADX (Hàn Quốc), Công ty Caffin Asia (Hoa Kỳ), Tập đoàn Bitexco, Công ty Mirae Energy (Hàn Quốc)... “Có nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu môi trường đầu tư tại KKT Chân Mây - Lăng Cô. Hiện nay, Công ty TNHH Phát triển ADX đang nghiên cứu, lập hồ sơ dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với vốn đăng ký 500 triệu USD, các nhà đầu tư khác cũng đang nghiên cứu để có thể triển khai các dự án trong thời gian tới”, ông Quê cho biết.
Để trở thành khu kinh tế động lực cho tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban quản lý KKT Chân Mây – Lăng Cô trong những năm qua đã luôn sát cánh cùng nhà đầu tư, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhất là trong thời kỳ suy thoái kinh tế, hướng dẫn giải quyết các thủ tục, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để các dự án triển khai đúng tiến độ.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được trong suốt 10 năm qua, ông Nguyễn Quê thẳng thắn thừa nhận rằng, quá trình thực hiện các dự án FDI trên địa bàn KKT Chân Mây - Lăng Cô nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung vẫn đứng trước nhiều thách thức. Các dự án thu hút được có quy mô tương đối nhỏ, chưa mang tính đột phá góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, phần lớn FDI vào Thừa Thiên Huế tập trung vào lĩnh vực du lịch, công nghiệp, xây dựng; chưa có nhiều dự án mang hàm lượng công nghệ cao; chưa thu hút mạnh các dự án đến từ các nước châu Âu…
Ông Quê cho rằng, để khắc phục điều này, bên cạnh việc BQL các Khu kinh tế sát cánh cùng nhà đầu tư, quan tâm theo dõi hỗ trợ những vướng mắc của nhà đầu tư thì chính sách thu hút vốn đầu tư cũng cần có những bước đột phá mới. Trong đó, tiên quyết nhất trước tiên là cần phải cải cách đơn giản hoá các thủ tục hành chính trên cơ sở phù hợp với thông lệ quốc tế, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục về cấp phép đầu tư, kê khai hải quan… nhằm tạo môi trường thông thoáng.
“Chúng ta cần có giải pháp đột phá về thể chế để các khu kinh tế như áp dụng các thể chế hiện đại (về kinh tế) tương tự ở các khu kinh tế tự do, đặc khu kinh tế ở các nước đã thành công. Chính phủ cần sớm ban hành chính sách riêng về công tác giải phóng mặt bằng trong các khu kinh tế. Đối với việc thu hồi đất trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, Chính phủ nên cho phép được thu hồi theo các khu chức năng đã được phê duyệt trong quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế, không bị giới hạn bởi các văn bản pháp luật khác như thu hồi đất lúa, đất rừng phòng hộ…
Cho phép có chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư có dự án lớn, mang tính động lực về thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cũng như xem xét hỗ trợ các đơn vị cung ứng điện, nước, viễn thông để hỗ trợ đầu tư nhanh các dịch vụ này phục vụ dự án”, ông Quê kiến nghị.