Hội nghi do Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (BVMTVN) phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) phối hợp tổ chức nhằm tổng kết lại những kết quả hoạt động đã qua cũng như phương hướng mới trong công tác hỗ trợ tài chính đầu tư bảo vệ môi trường của Quỹ.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Võ Tuấn Nhân –Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch HĐQT của Quỹ BVMTVN cho biết, trong 14 năm hoạt động, Quỹ đã có nhiều đóng góp kịp thời cho công tác BVMT trên toàn quốc. Với các hoạt động nhiệm vụ chính bao gồm cho vay với lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất đầu tư, ký quỹ phục hồi môi trường, trợ giá sản phẩm điện gió (CDM), hỗ trợ giá điện gió nối lưới, hỗ trợ hoạt động CDM và hợp tác phát triển, đồng thời thực hiện một số nhiệm vụ mà Bộ TNMT giao.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuân Nhân cho rằng, cần phải xây dựng và nhân rộng được mô hình công nghệ môi trường trong những năm tới |
Trong thời gian qua, Quỹ đã thực hiện cho vay với lãi suất ưu đãi hơn 1.457 tỷ đồng cho 208 dự án trên địa bàn 44 tỉnh. Các dự án vay vốn tập trung chủ yếu là xử lý chất thải công nghiệp (cho vay hơn 765,6 tỷ đồng với 66 dự án), xử lý chất thải công nghiệp (cho vay hơn 312,2 tỷ đồng với 36 dự án), xử lý chất thải sinh hoạt (cho vay hơn 110,5 tỷ đồng với 7 dự án) và xã hội hoá thu gom rác thải (cho vay hơn 51,7 tỷ đồng).
“Có thể nói, Quỹ BVMTVN là một trong những công cụ tài chính của Chính phủ trong hoạt động bảo vệ môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Trong thời gian tới, chúng ta phải chấm dứt tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá để tập trung vào việc tăng trưởng kinh tế nhưng phải chú trọng bảo vệ môi trường”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chia sẻ.
Báo cáo tại Hội nghị, bà Dương Thị Phương Anh – Phó Giám đốc Quỹ BVMTVN cho biết, trong những năm qua, sự hỗ trợ tài chính của Quỹ đã đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua những giải đoạn khó khăn về nguồn vốn, nâng cao hình ảnh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong khu vực và quốc tế.
Bà Anh cho biết, trong quá trình cho vay, nhờ kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi nợ, xử lý nợ, nợ xấu đọng nên Quỹ luôn được kiểm soát mức nợ xấu dưới 3%. Vị đại diện Quỹ BVMTVN cũng đồng thời chia sẻ những khó khăn về hoạt động của Quỹ khi hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định và hướng dẫn hoạt động đối với tổ chức tài chính nhà nước do đó những hoạt động của Quỹ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài ra, hiện nay nguồn vốn của Quỹ còn hạn hẹp (hơn 1.386 tỷ đồng) nên mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu hỗ trợ tài chính cho các dự án.
Về công tác nhận uỷ thác cho vay lại từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới WB, bà Anh cho biết năm 2013, Quỹ đã thí điểm cho vay đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tại các KCN ở 4 tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Nam Định, Hà Nam bằng nguồn vốn 20,473 triệu USD. “Hiện nay Quỹ đã làm việc với các bên liên quan, để tiếp tục mở rộng phạm vi cho vay đối với các địa phương khác”, bà Anh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, trong thời gian qua, để bảo vệ môi trường Đà Nẵng đã thay đổi định hướng thu hút đầu tư, từ chối nhiều dự án lớn có nguy cơ về ô nhiễm. Thành phố đã tập trung rà soát giám sát để ngăn ngừa tái phát ô nhiễm những nơi đã xử lý, tăng cường thanh tra xử lý nghiêm về tình trạng xả thải. Mặc dù kết quả chưa nhiều nhưng chủ yếu đến từ nội lực, đây là sự đóng góp chủ yếu từ người dân. Ý thức của người dân dần nâng cao, quan điểm tích cực hơn mở rộng ra toàn thành phố. Chính sự đồng thuận của người dân đã tạo động lực để các tổ chức cùng thamg gia vào hoạt động bảo vệ môi trường thành phố.
“Hiện nay nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng cũng muốn vay từ Quỹ BVMTVN nhưng bế tắc. Quỹ hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu này, kính mong Bộ TN&MT đề xuất Chính phủ ưu tiên những doanh nghiệp tổ chức có những hoạt đông, hoài bão tập trung cho công việc tái chế, bảo vệ môi trường. Hiện nay, thủ tục vay vốn của Quỹ còn rườm rà, kéo dài, mất thời gian, thẩm định dự án rất khó khăn. Kính đề nghị Bộ TN-MT xem xét cơ sở trên bình diện rộng cả nước để có những cơ chế đột phá hơn,… tham mưu Chính phủ tăng vốn điều lệ cho Quỹ BVMTVN và tạo cơ chế thông thoáng hơn nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện nay cho các doanh nghiệp”- ông Điểu chia sẻ.
Tại Hội nghị, Báo cáo tham luận của đại diện Công ty Cổ phần Cơ điện Môi trường Lilama thẳng thắn cho rằng, hiện nay các dự án lựa chọn công nghệ xử lý tiên tiến thường có thời gian thu hồi vốn lâu, gặp nhiều rủi ro trong hoạt động sản xuất khi phải phụ thuộc vào chủ nguồn thải, kể cả sự thay đổi về các chính sách. Do vậy, cần tăng chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp môi trường theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, xây dựng môi trường đầu tư bảo vệ môi trường dựa trên các cơ sở hỗ trợ, ưu đãi của Chính phủ và tích cực khai thác các nguồn đầu tư từ xã hội.
Tham luận của công ty TNHHXD-TM&SX Nam Thành Ninh Thuận cũng đồng tình kiến nghị trên đồng thời cho rằng, hiện nay nhà nước cần phải tiếp tục hỗ trợ đầu tư kinh phí nghiên cứu thay đổi công nghệ cho cả doanh nghiệp tư nhân, hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.