Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sửa đổi Luật Điện lực |
Quy định nhà nước độc quyền còn quá rộng
Chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám vào tháng 10 tới, Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi (Dự thảo) vừa được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Phiên họp thứ 36.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài cho biết, Dự thảo gồm 9 chương với 121 điều, trong đó bổ sung 59 điều gồm các nội dung về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp, các chính sách về năng luợng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), năng luợng mới với điều kiện tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp (như hydrogen).
Nội dung được bổ sung còn có quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị truờng điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, các loại giá điện, giá mua bán điện theo thời gian trong ngày, giá điện nhiều thành phần…
“Các quy định tại Dự thảo được xây dựng trên cơ sở rà soát, đánh giá nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật liên quan và các vấn đề cụ thể mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đã chỉ ra; đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc kiểm soát quyền lực phòng, chống tham những, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ”, tờ trình dự án luật nêu rõ.
Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cho hay, Dự thảo đã tách các thủ tục hành chính phức tạp hiện nay thành các thủ tục hành chính riêng biệt, phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp. Qua đó đạt mục tiêu đơn giản hóa thủ tục, công khai, minh bạch và cắt giảm chi phí tuân thủ cho tổ chức tham gia hoạt động điện lực.
Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) như đề xuất của Chính phủ.
Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực, khoản 4, Điều 5 của Dự thảo quy định, xóa bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý, thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư, khai thác sử dụng dịch vụ cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Khoản 4 cũng quy định, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện do mình đầu tư xây dựng theo quy định pháp luật.
Theo khoản 5, Điều 5 của Dự thảo, Nhà nước độc quyền đầu tư các dự án nhà máy thủy điện đa mục tiêu, các dự án nguồn điện khẩn cấp, lưới điện khẩn cấp… Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, quy định này là quá rộng. Trong bối cảnh nguồn lực công còn hạn chế, nhu cầu sử dụng điện lại cao, cần có cơ chế để huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư ở những hoạt động không bắt buộc Nhà nước phải độc quyền. Việc quy định quá rộng các hoạt động mà Nhà nước độc quyền sẽ làm hạn chế cơ hội huy động nguồn lực xã hội để phát triển điện lực, vì vậy cần rà soát lại quy định này.
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Về thời gian, cần bàn bạc, cân nhắc kỹ, từ đây tới Kỳ họp thứ tám còn hơn 2 tháng nữa. Quốc hội mới quyết định cho thông qua Dự thảo tại một kỳ họp này hay hai kỳ họp, chứ không phải là Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cũng đề cập quy định ở Điều 5 về Nhà nước độc quyền trong truyền tải điện, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, đúng là ở khâu này, Nhà nước cần độc quyền để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhưng độc quyền tới mức độ nào đó để vẫn huy động được nguồn lực xã hội.
Ông Thanh đề xuất, ở khâu truyền tải điện, Nhà nước nên độc quyền theo cấp điện áp, tức là chỉ nên độc quyền hệ thống truyền tải điện trên 35 kV (cao áp, siêu cao áp), còn cấp điện áp dưới 35 kV tại các địa bàn, khu vực không vướng quốc phòng an ninh, thì nên xem xét cho tư nhân đầu tư.
“Cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu, đánh giá tác động quy định này để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, ông Thanh góp ý.
Có lộ trình rõ ràng xóa bỏ bù chéo giá điện
Trong lần sửa đổi Luật Điện lực này, quy định hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị truờng điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị truờng, là chính sách lớn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận xét, hiện giá điện chậm được thay đổi, chưa phù hợp cơ chế thị trường. Đáng chú ý, giá bán lẻ điện chưa phản ánh đủ các chi phí từ sản xuất tới tiêu thụ điện và chưa đưa ra các tín hiệu thu hút đầu tư vào ngành này, cũng như các đối tượng tham gia thị trường điện. Mặt khác, nhiều dự án điện đầu tư chưa đúng, dẫn đến không đưa vào sử dụng, gây lãng phí lớn cho xã hội.
Đặc biệt, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị đưa ra định hướng không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền. Nhưng, theo thường trực cơ quan thẩm tra, nội dung về giảm bù chéo giá điện chưa thể hiện cụ thể tại Dự thảo.
“Dự thảo cần có quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về xóa bỏ bù giá chéo giữa các nhóm khách hàng, đảm bảo bình đẳng xã hội và đảm bảo nguyên tắc thị trường, khuyến khích tiết kiệm điện trong ngành sản xuất”, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị.
Đồng thời, thường trực ủy ban thẩm tra cũng cho rằng, cần quy định rõ những cơ quan nhà nước có trách nhiệm thường xuyên thực hiện kiểm toán và tư vấn quản trị, giám sát kiểm tra cho ngành điện lực nhằm giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh ngày càng hiệu quả và đảm bảo giá điện được ổn định, cạnh tranh, bổ sung quy định giá điện nhập khẩu và giá điện xuất khẩu.
Nêu ý kiến về giá, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh phân tích, Điều 21 của Luật Giá quy định, thẩm quyền của Thủ tướng là định giá đối với các hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quan trọng có ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, cũng như đời sống của người dân. Điện là mặt hàng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân, chắc chắn là hàng hóa đặc biệt quan trọng, do vậy giá điện sẽ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
Nhưng Điều 76 của Dự thảo đang thiết kế theo hướng Thủ tướng chỉ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ, bán buôn, theo ông Mạnh, là chưa phù hợp với Luật Giá. “Tôi đề nghị nên thiết kế lại để đảm bảo đúng thẩm quyền của Thủ tướng, Thủ tướng phải quyết định khung giá bán buôn và bán lẻ”, ông Mạnh nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, cần xây dựng nguyên tắc định giá nhất quán, giá điện phải đảm bảo bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế, hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận cho các đơn vị điện lực, phù hợp với mặt bằng thị trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh điện. “Khi giá đã phản ánh đúng, đủ chi phí điện bán cho các nhóm khách hàng, thì tự nó sẽ hình thành cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý theo chi phí”, theo Chủ tịch Quốc hội.
Cho biết, trong trường hợp cần thiết sẽ báo cáo Chính phủ và sẽ có một Dự thảo với nội dung mới để báo cáo với hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào cuối tháng này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài bày tỏ: “Cơ quan soạn thảo mong muốn được thông qua trong một kỳ họp, chúng tôi hứa sẽ có một dự thảo tốt nhất để trình lại Quốc hội”.