Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo Quốc hội. |
Chiều 22/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo Quốc hội công tác Quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và Việc thực hiện Nghị quyết 68/QH13.
Bộ trưởng thông tin, tính đến 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,96 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số. Trong đó, ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng trên 51 triệu người, chiếm 58%. Tổng số chi do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 39.953 tỷ đồng, bằng 37% tổng số thu tiền đóng bảo hiểm y tế.
Tổng thu quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 là 110.395 tỷ đồng, chi bảo hiểm y tế năm 2020 là 104.220 tỷ đồng. Tổng số thu quỹ bảo hiểm y tế lớn hơn tổng số chi quỹ bảo hiểm y tế là 5.071 tỷ đồng; dự kiến số dư quỹ bảo hiểm y tế lũy kế đến cuối năm 2020 là 32.991 tỷ đồng.
Trong các khó khăn, vướng mắc, Bộ trưởng cho biết thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với bệnh nhân Covid-19 gặp nhiều khó khăn do không thể bóc tách chi phí điều trị bệnh Covid-19 do ngân sách nhà nước chi trả và chi phí khám chữa bệnh nào điều trị bệnh nền hoặc bệnh khác do quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Nhiều trường hợp bệnh đã tử vong hoặc không liên hệ được với người nhà nên không thể thanh toán chi phí đồng chi trả.
Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng ngân sách nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19, bao gồm cả chi phí khám chữa bệnh Covid-19 và các bệnh nền. Kiến nghị nữa từ Chính phủ là Quốc hội ban hành nghị quyết quy định việc đóng bảo hiểm y tế trong thời gian người lao động phải nghỉ việc, tạm hoãn hoặc dừng hợp đồng lao động không hưởng lương do dịch bệnh.
Thảo luận tại tổ sau đó, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho rằng, bệnh nhân mắc Covid-19 theo quy định điều trị là ngân sách nhà nước chi trả. Nhưng các bệnh nhân có bệnh nền bị Covid-19 phải do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, song hiện lại khó tách bạch chi phí chữa bệnh nền, cho nên đến giờ vẫn chưa có đáp án rõ ràng.
Một là, do ngân sách chi trả, hai là, do bảo hiểm y tế chi trả. Nếu không xử lý sớm có thể ảnh hưởng đến vấn đề tài chính, trong khi các đơn vị thu dung là rất lớn. Vì thế, Chính phủ và Bộ Y tế phải có hướng dẫn để phân định rõ ràng, đại biểu đề nghị.
Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về bảo hiểm y tế, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ Chỉ đạo Bộ Y tế, bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp giải quyết dứt điểm vướng mắc trong quá trình thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong đó quan tâm đến việc thanh toán chi phí khám và điều trị cho người bệnh mắc Covid-19.
Về quản lý quỹ bảo hiểm y tế năm 2020, cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra hạn chế là một số cơ sở khám chữa bệnh do lo ngại việc không được thanh toán các chi phí vượt dự toán được giao nên có tình trạng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên hoặc chỉ khám chữa bệnh BHYT cầm chừng, kê đơn để bệnh nhân mua thuốc ngoài BHYT, đặc biệt là khi thực chi đã gần chạm hoặc vượt ngưỡng được giao.