BSC đặt kế hoạch lãi trước thuế 456 tỷ đồng, cổ tức năm 2022 dự kiến là 10%. |
Kế hoạch lợi nhuận tăng 6,7% dựa trên giả định VN-Index đạt 1.720 điểm
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2022 dự kiến trình cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC, mã BSI-HoSE) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế mục tiêu là 465 tỷ đồng, tăng 6,7% so với kết quả đạt được năm 2021.
Kế hoạch trên được xây dựng dựa trên giả định VN-Index tăng 15% lên 1.720 điểm, đồng thời, thanh khoản tiếp tục tăng gần 7% từ mức bình quân 26.662 tỷ đồng/phiên năm 2021 lên 28.500 tỷ đồng/phiên.
Nhìn lại diễn biến giao dịch quý đầu năm 2022, VN-Index đi ngang dao động quanh ngưỡng 1.430 - 1.530 điểm và chưa thể bứt lên khỏi vùng đỉnh cũ. Dù còn 3 quý phía trước, giả định về mức điểm của VN-Index vẫn đang có khoảng cách lớn nếu nhìn vào xu hướng hiện tại của thị trường.
Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự bứt phá mạnh mẽ, kéo dài xu hướng tăng trưởng trong dài hạn, dù có những nhịp điều chỉnh do tác động của đại dịch khi xuất hiện các biến chủng mới virus Covid-19 mới. Tính đến 31/12/2021, VN-Index đạt 1,498.28 (+35,8%) so với cuối năm 2020, lọt top 10 thị trường tăng điểm mạnh nhất thế giới. Thanh khoản tăng hơn 250% so với năm 2020, ghi nhận phiên giao dịch kỷ lục 2,3 tỷ USD, xếp thứ hai Đông Nam Á.
Kết quả kinh doanh của BSC cũng tăng trưởng mạnh và vượt kế hoạch đề ra cho năm 2021. Lợi nhuận trước thuế đạt 435,6 tỷ đồng, tăng 170% so với năm 2020 và vượt 142% kế hoạch đặt ra. Tỷ lệ an toàn vốn khả dụng của Công ty là 426% ở vào nhóm tốt theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ở mảng hoạt động môi giới, tổng doanh thu hoạt động môi giới và cho vay margin năm 2021 của BSC đạt 832,7 tỷ đồng, tăng trưởng 117% so với mức thực hiện năm 2020. BSC giữ vững vị thế top đầu thị trường môi giới trái phiếu chính phủ.
Về hoạt động tư vấn tài chính và bảo lãnh phát hành, lãnh đạo công ty cho biết đang lấy lại vị thế ở mảng này. Tỷ trọng đóng góp ổn định trong cơ cấu doanh thu toàn công ty nhờ số lượng khách hàng đa dạng là các tập đoàn và doanh nghiệp lớn, cùng sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng mẹ BIDV.
Tổng doanh thu hoạt động tư vấn tài chính và bảo lãnh, đại lý phát hành năm 2021 của BSC đạt 76,4 tỷ đồng, tăng gấp 7,9 lần so với năm 2020. Giá trị trái phiếu doanh nghiệp do BSC tư vấn phát hành trong năm 2021 đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tiêu biểu là giao dịch phát hành trái phiếu cho Becamex ITC (1.500 tỷ đồng), Novaland (1.550 tỷ đồng), Hưng Thịnh Land (650 tỷ đồng)...
Mảng tư vấn thu xếp vốn trên thị trường chứng khoán vốn cổ phần cũng ghi nhận nhiều giao dịch lớn trong đó tiêu biểu là giao dịch tư vấn chào bán cổ phần tăng vốn điều lệ cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam với tổng giá trị 7.961 tỷ đồng.
Trong năm 2021, hoạt động đầu tư của BSC vượt kế hoạch kinh doanh. Lợi nhuận từ các tài sản ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) và các tài sản nắm giữ tới ngày đáo hạn (HTM) đạt 201,5 tỷ đồng, tăng 114% so với năm 2020. Trong đó,lợi nhuận đầu tư cổ phiếu và sản phẩm cấu trúc trước chi phí vốn ghi nhận mức tăng trưởng gấp 230% so với thực hiện 2020. Lợi nhuận đầu tư trái phiếu và giấy tờ có giá ghi nhận tăng trưởng 38% so với năm 2020.
Nguồn lực vốn đang là hạn chế lớn nhất
Dù các mảng kinh doanh ghi nhận sự bứt phá, tăng trưởng ở một số mảng vẫn thấp hơn đáng kể so với bình quân thị trường. Điển hình, giá trị giao dịch qua BSC trong năm 2021 tăng gấp 1,4 lần so với năm 2020. Trong khi đó, mức tăng của thị trường gấp tới 3,6 lần so với giá trị giao dịch bình quân năm 2020.
“Hạn chế về nguồn lực vốn đang là hạn chế lớn nhất của BSC”, đây là nguyên nhân hàng đầu mà ban lãnh đạo công ty chỉ ra. Thị phần môi giới cổ phiếu của BSC vì vậy cũng rời khỏi top 10, đạt 2,82%, giảm 18% so với mức 3.42% của năm 2020.
Tuy vậy, công tác phát hành cổ phiếu tăng vốn đã ghi nhận bước tiến đáng kể trong năm 2022. Cụ thể, theo báo cáo gửi đến các cổ đông, BSC cho biết đã triển khai làm việc với đơn vị Tư vấn Luật (VNLaw) để rà soát các điều khoản trong dự thảo Hợp đồng mua bán cổ phần, Hợp đồng hợp tác chiến lược với đối tác Hana Financial Investment Co., Ltd (HFI). Đồng thời, làm việc với các đơn vị Tư vấn định giá theo phương pháp định giá có phát hành chứng thư thẳm định (AASC) và Tư vấn định giá theo phương pháp dòng tiền (KPMG) để hoàn thiện lại các bản dự thảo định giá.
Theo thông tin mới nhất, Hội đồng Quản trị BSC đã thông qua nội dung dự thảo thoả thuận mua bán cổ phần với nhà đầu tư chiến lược. Tổng giám đốc được giao ủy quyền thay mặt công ty ký thoả thuận với đối tác và tổ chức triển khai các công việc cần thiết để hoàn tất giao dịch.
BSC cho biết tổng giá trị của giao dịch khoảng 2.700 tỷ đồng, tương đương giá phát hành bình quân mỗi cổ phiếu xấp xỉ 41.000 đồng.
Cổ tức năm 2021 chỉ vỏn vẹn 7% dù lợi nhuận cao nhất 12 năm
Dù kết quả kinh doanh vượt trội so với kế hoạch đề ra, mức chi trả cổ tức năm 2021 mà HĐQT trình cổ đông vẫn là 7% bằng tiền mặt, ngang với mức cổ tức dự kiến thực hiện và thấp hơn mức cổ tức 9% thực hiện năm 2020. Sau khi phân bổ vào các quỹ, lợi nhuận còn lại chưa phân phối đạt hơn 209 tỷ đồng, tương đương 17,2% quy mô vốn điều lệ hiện tại. Trong khi đó, với mục tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2022 là 465 tỷ đồng, mức cổ tức dự kiến chi trả năm 2022 là 10%.