Phục hồi mạnh mẽ
Tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được tổ chức mới đây ở tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Trần Việt Phường phấn khởi thông tin, trong năm 2023, du lịch của Vùng đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, đạt được những kết quả đáng mừng. Trong năm 2023, tổng số khách đến các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đạt gần 45 triệu lượt, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khách quốc tế hơn 1,880 triệu lượt, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu đạt gần 46 ngàn tỷ đồng, tăng gần 43% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng gần 14% so với năm 2019 (khi chưa bùng phát đại dịch Covid-19).
Với tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch nổi trội, đặc biệt là du lịch biển đảo, Kiên Giang là tỉnh dẫn đầu vùng ĐBSCL về đón du khách cũng như doanh thu từ du lịch. Trong năm 2023, tổng lượt du khách đến Kiên Giang đạt hơn 8,5 triệu lượt; trong đó, khách quốc tế hơn 573 ngàn lượt, tăng 203,3% so với cùng kỳ, vượt gần 64% kế hoạch năm. Tổng doanh thu từ du lịch là 17.479 tỷ đồng, tăng hơn 65% so với cùng kỳ, vượt 34,5% kế hoạch năm.
Du khách trải nghiệm tát mương bắt cá tại Làng du lịch Ông Đề (huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ). Ảnh: Làng Du lịch Ông Đề |
Là tỉnh có nhiều danh thắng nổi tiếng, có dãy Thất Sơn huyền bí, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, tâm linh...), năm 2023 An Giang đón khoảng 8,5 triệu lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 5.900 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ và đạt 107% so với kế hoạch năm.
Cần Thơ với vị trí trung tâm, là “thủ phủ” của Vùng cũng đón nhận những tín hiệu tích cực về phát triển du lịch. Trong năm 2023, tổng lượt khách đến thành phố hơn 5,9 triệu lượt, tổng doanh thu từ du lịch đạt 5.420 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2022.
Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng, thời gian qua các tỉnh, thành trong vùng đã có những định hướng và quyết sách để khai thác tiềm năng thế mạnh du lịch địa phương.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt, ban hành Đề án phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 đẩy mạnh tăng trưởng lĩnh vực này. Bên cạnh việc đầu tư, xây dựng phát triển các khu trọng điểm du lịch của tỉnh như: Khu di tích Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quít, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Làng hoa kiểng Sa Đéc… tỉnh còn tập trung phát triển du lịch nông nghiệp, phát huy lợi thế về nông nghiệp gắn với phát triển du lịch xây dựng sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 72 điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đang hoạt động, trong đó có 50 điểm đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách, 3 điểm công nhận sản phảm OCOP 3 sao và 1 điểm công nhận sản phẩm OCOP từ 4 sao. Bên cạnh đó, tỉnh đã phát triển thêm 4 điểm du lịch gắn với trải nghiệm nông nghiệp…
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương, thông tin, trong năm 2023, ngành du lịch Bạc Liêu có sự phục hồi mạnh mẽ, các chỉ tiêu về du lịch tiếp tục tăng trưởng. Tỉnh đón hơn 4,2 triệu lượt khách, tổng thu ngành du lịch đạt khoảng 3.850 tỷ đồng.
Để đạt được kết quả trên, theo bà Trần Thị Lan Phương, Bạc Liêu đã và đang đầu tư mới các sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng, khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch trọng điểm, nhất là các sản phẩm đã được thị trường du lịch chấp nhận, được tỉnh công nhận là điểm du lịch đạt chuẩn, đặc biệt là 11 điểm du lịch tiêu biểu đã được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận (nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong Vùng)
Bà Trần Thị Lan Phương chia sẻ, Bạc Liêu sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù như: Du lịch văn hóa gắn với giá trị bất hủ của bản “Dạ cổ hoài lang” và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; du lịch gắn với thương hiệu “Công tử Bạc Liêu” trên cơ sở tìm hiểu về nhật vật này với những giai thoại hấp dẫn; du lịch văn hóa tâm linh với các cơ sở tôn giáo nổi tiếng trong và ngoài nước như: Quán âm Phật đài, chùa Hưng Thiện, nhà thờ Tắc Sậy…; du lịch sinh thái- cộng đồng ven biển với hệ sinh thái biển, rừng ven biển, vườn nhãn, các trang tại sinh thái nông nghiệp (làm muối, trồng màu, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản)…
Nâng tầm liên kết - hợp tác
Ngành du lịch ĐBSCL mặc dù phục hồi và phát triển với “điểm sáng” là lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đều tăng cao, doanh thu từ du lịch vượt kế hoạch đề ra, nhưng du lịch của Vùng vẫn còn những khó khăn, hạn chế nội tại.
Cụ thể, việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, làm mới sản phẩm du lịch dù được quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; sản phẩm du lịch còn trùng lắp: chủ yếu là chèo xuồng len lỏi sông, rạch, tham quan trải nghiệm vườn cây ăn trái, tát mương bắt cá, nghe đờn ca tài tử… Thậm chí, một số địa phương, doanh nghiệp còn sao chép ý tưởng, sản phẩm của nhau. Đơn cử như, TP. Cần Thơ có Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, Cà Mau có Ngày hội bánh dân gian Nam Bộ; Cần Thơ có Khu du lịch Căn Nhà Màu Tím (phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ), Tiền Giang có Khu Vườn Màu Tím (xã Thới Sơn TP.Mỹ Tho)…
Về công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, một số nơi chưa cải tiến, đổi mới, chưa đa dạng hóa các hình thức quảng bá. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để quảng bá du lịch còn hạn chế.
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hấp dẫn du khách, các địa phương trong vùng ĐBSCL đều xác định công tác liên kết - hợp tác phát triển du lịch là một trong những việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Thời gian qua, các tỉnh, thành đã có nhiều nỗ lực trong liên kết nội vùng, cũng như giữa vùng ĐBSCL với TP.HCM, như: trao đổi kinh nghiệm trong quản lý, xây dựng chính sách; phát triển sản phẩm du lịch; liên kết xúc tiến, quảng bá du lịch…nhưng việc liên kết đó chưa đi vào chiều sâu, hiệu quả mang lại không như kỳ vọng.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Trần Việt Phường nhìn nhận: “Về liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với các cơ quan xúc tiến du lịch; giữa doanh nghiệp với các đơn vị lữ hành chưa chặt chẽ, nhịp nhàng và hiệu quả. Một số doanh nghiệp hoạt động còn mang tính tự phát, chạy theo nhu cầu của khách lẻ và chưa thật sự chủ động…Từ đó, ảnh hưởng đến việc hình thành chuỗi sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch; ảnh hưởng đến việc hình thành tour, tuyến đặc trưng cũng như việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù”.
Ông Trần Việt Phường chia sẻ, gần đây, trong các diễn đàn kết nối du lịch tại ĐBSCL, nhiều ý kiến cho rằng, công tác liên kết- hợp tác phát triển du lịch không dừng lại ở chỗ ký kết hợp tác, mà cần phải hành động ngay. Hợp tác và hành động là động lực, là đòn bẩy để phát triển du lịch. Trong đó, cần thực hiện tốt các văn bản hợp tác đã ký kết…
Còn Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm liên quan phát triển du lịch được tỉnh xác định là tăng cường liên kết có trọng tâm, trọng điểm, nhất là thực hiện có hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác, kết nối tour, tuyến du lịch với các địa phương có du lịch phát triển, đặc biệt là TP.HCM và các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL.
Bà Trần Thị Lan Phương cũng đề xuất: “Thông qua Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, các địa phương cần tăng cường hơn nữa việc hình thành cơ chế liên kết, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực du lịch, tạo cơ chế cho các doanh nghiệp du lịch tăng cường liên kết, hợp tác phát triển, xúc tiến, quảng bá du lịch. Chẳng hạn, có thể liên kết theo hình thức một số địa phương có đặc thù địa lý gần nhau và nằm trên tour/tuyến du lịch của các công ty lữ hành sẽ tổ chức các đoàn đi quảng bá, xúc tiến du lịch. Như 4 tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau có thể liên kết thực hiện”.